Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn bản chính sách mới

Hướng dẫn một số điều khoản của Nội quy kỳ họp Quốc hội

T.Hợp - 08:35, 22/03/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 quy định, hướng dẫn một số điều khoản của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức kỳ họp bất thường; tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp với họp trực tuyến; việc chuẩn bị hồ sơ nhân sự trình Quốc hội và thực hiện bỏ phiếu về công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội, bầu Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Về tổ chức kỳ họp bất thường, Nghị quyết nêu rõ: Trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường, gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường kèm theo hồ sơ, tài liệu nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 7 ngày tính đến ngày đề xuất tổ chức kỳ họp bất thường, trừ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác nhân sự. Thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường phải trước ít nhất là 1 ngày tính đến ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo.

Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường, đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn bản yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường có thể do một hoặc nhiều đại biểu Quốc hội cùng yêu cầu, ký tên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các yêu cầu của đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất trước đó đến trước 8 ngày tính đến ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, triệu tập kỳ họp bất thường khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu về cùng nội dung.

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì dự kiến nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp bất thường để báo cáo Quốc hội.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị nội dung và gửi hồ sơ, tài liệu đến Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra về nội dung đó và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp. Trong yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Khi thẩm tra hồ sơ, tài liệu trình kỳ họp bất thường, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm về điều kiện, chất lượng của hồ sơ, tài liệu.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ, tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.

Trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường; hồ sơ, tài liệu của kỳ họp bất thường; thông tin về kỳ họp bất thường được thực hiện theo các quy định về kỳ họp của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nội quy kỳ họp Quốc hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về các hình thức tổ chức kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết quy định, hình thức họp trực tiếp được thực hiện với sự tham gia trực tiếp của tất cả đại biểu Quốc hội tại một địa điểm.

Hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số điểm cầu; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điểm cầu; địa điểm đặt điểm cầu; đoàn đại biểu Quốc hội tham gia họp tại từng điểm cầu.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức họp trực tuyến theo cách thức khác.

Hình thức kết hợp giữa họp trực tiếp với họp trực tuyến được thực hiện trong trường hợp kỳ họp có các đợt họp được tổ chức theo hình thức họp trực tiếp và các đợt họp được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể các nội dung về đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp tại các điểm cầu họp trực tuyến, người được mời tham dự, dự thính tại kỳ họp Quốc hội tổ chức theo hình thức họp trực tuyến, hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội quyết định...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023.

Tin cùng chuyên mục
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày 18/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó, vớí những quy định mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Nghị định số 91/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ khai thác thêm những giá trị mới của rừng.