Người dân sinh sống xã Kỳ Thượng hầu hết đồng bào DTTS, đông nhất là dân tộc Dao sinh sống, địa hình đồi núi, nằm cách xa trung tâm kinh tế của thành phố Hạ Long. Vượt lên trên nhiều khó khăn, chính quyền và người dân nơi đây đã đồng sức, đồng lòng trong các hoạt động kinh tế, xã hội, đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM tại địa phương.
Do vậy mà đến với xã Kỳ Thượng hôm nay, không còn những con đường lầy đất mà là những tuyến đường trải bê tông về tận các thôn, cùng với hạ tầng về điện, nước, viễn thông đã được đầu tư..., đã giúp cho Thượng Kỳ không còn bị cô lập như khoảng gần về trước. Từ chỗ có đến 70% người dân trong xã là hộ nghèo vào năm 2012, nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, đến nay, hộ nghèo tại Kỳ Thượng chỉ còn dưới 10 hộ, đến giữa năm 2020, xã đã chính thức ra khỏi Chương trình 135.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, dần xác định lợi thế giá trị về lâm nghiệp, cảnh quan tự nhiên; cũng như nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, vận động, định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Bàn Văn Vi, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng cho biết, anh và một số hộ dân trong xã, đã ấp ủ dự định và thu mua gỗ từ các hộ dân trong thôn để xây nhà sàn đón khách du lịch. Chia sẻ với phóng viên, anh Vi cho biết, hiện nay Kỳ Thượng đã là một phần của thành phố biển Hạ Long nên ngôi nhà sàn hình con thuyền với kiến trúc mới lạ, độc đáo sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm trong thời gian tới.
"Sau khi sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, chúng ta có di sản Vịnh Hạ Long, có biển, lại có rừng. Khách du lịch có thể xuống biển, có thể lên rừng, mà rừng ở đây rất đặc sắc, mới lạ. Khí hậu ở Kỳ Thượng không thua gì Tam Đảo hay Sa Pa, thậm chí còn trong lành, tuyệt vời hơn", Trưởng thôn Bàn Văn Vi hồ hởi nói.
Không những vậy, bà con nơi đây cũng có thêm nguồn thu nhập, đầu ra cho các sản phẩm địa phương từ lượng khách du lịch đến nghỉ tại homestay. Chị Lý Thị Minh, một người dân thôn Khe Lương cho biết: "Lúc đầu không tin lắm, chỗ nghèo, khó khăn này thì ai lặn lội lên làm gì nên chúng tôi cũng không ủng hộ lắm. Nhưng giờ khách du lịch lên, chúng tôi có thể bán khoai sọ nương, rau cải, mật ong, lá thuốc bán cho họ kiếm tiền, thu nhập. Mừng lắm!”.
Chủ động, đổi mới cách làm, người dân Khe Phương nói riêng và Kỳ Thượng nói chung đang nỗ lực để đạt được nhiều kết quả hơn nữa, từ gắn du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới. Bởi, bước đầu, ý tưởng và cách làm sáng tạo trên đã cải thiện đáng kể thu nhập cho bà con trên địa bàn. Đồng thời, du lịch cộng đồng đang giúp người DTTS cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, lan tỏa những giá trị văn hóa hóa đặc sắc của người bản địa.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Linh Du Hồng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, với sự hỗ trợ chính sách và tinh thần tự chủ của người dân, Kỳ Thượng sẽ có thêm nhiều kỳ vọng mới để vươn lên: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những dự án theo hướng đầu tư vào rừng, mở mang rộng hơn mô hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với phát triển nét văn hóa truyền thống của người Dao".