Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kbang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào DTTS và miền núi

Ngọc Thu - 14:10, 02/12/2024

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, xây dựng các mô hình trong Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025 bám sát với tình hình thực tế ở cơ sở. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu của Dự án 8 tại địa phương về bình đẳng giới.

Huyện Kbang (Gia Lai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong cộng đồng và xã hội
Huyện Kbang (Gia Lai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong cộng đồng và xã hội

Thay đổi nếp nghĩ cách làm

Tại làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang, trước đây, đồng bào Ba Na có thói quen “làm đến đâu, ăn đến đó”, cùng với việc tổ chức các lễ hội rình rang, dài ngày đã khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khèo khó. Thậm chí phải vay mượn với lãi suất cao, cầm cố đất đai, tài sản…

Nhằm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào DTTS, tháng 9/2023, mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” (TTTCĐ) làng Lợt, xã Kông Bờ La đã được thành lập với 9 thành viên. Các thành viên Tổ TTCĐ đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp chị em phụ nữ DTTS hình thành thói quen tiết kiệm, tạo nguồn vốn quay vòng cho các thành viên giải quyết những vấn đề cấp thiết và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp phụ nữ chủ động tài chính và đẩy lùi tín dụng đen vùng nông thôn.

Các thành viên Tổ TTCĐ làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang chia sẻ kinh nghiệm, hình thành thói quen tiết kiệm, tạo vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững
Các thành viên Tổ TTCĐ làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang chia sẻ kinh nghiệm, hình thành thói quen tiết kiệm, tạo vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững

Đều đặn hằng tháng, các chị em phụ nữ tập trung ở nhà sinh hoạt cộng đồng để gửi tiết kiệm định kỳ. Hoạt động từ năm 2022 đến nay, nhóm duy trì sinh hoạt 10 thành viên. Mỗi thành viên sẽ đóng khoảng 100.000 đồng/tháng. Mỗi năm nhóm tiết kiệm được 10 triệu đồng, số tiền này sẽ được cho các hội viên khó khăn vay xoay vòng để phát triển kinh tế. Lãi suất nhóm quy định 0,5%/tháng, thời gian vay vốn tối đa 12 tháng.

Chị Đinh Thị Hạnh, làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang chia sẻ: “Thông qua các buổi truyền thông của Hội LHPN xã, tôi đã biết thay đổi bản thân mình, tôi đã biết cách tiết kiệm, mỗi tháng tiết kiệm được 2 triệu đồng. Từ số tiền đó, tôi mua phân bón chăm sóc cây trồng chăm sóc mía, nhờ đó cho thu nhập gia đình cao hơn”.

Mô hình Tổ TTCĐ làng Lợt đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ tạo dựng sinh kế nhờ hỗ trợ từ nguồn vốn của nhóm, hạn chế rủi ro tín dụng đen. Đồng thời, giúp nhiều hội viên viên có thêm kiến thức quản lý tài chính gia đình, ý thức tiết kiệm.

 Đặc biệt, mô hình đã giúp chị em phụ nữ DTTS xoá bỏ rào cản định kiến giới, nâng cao quyền năng kinh tế, khẳng định chủ thể trong gia đình và cộng đồng, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, Hội LHPN huyện Kbang tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ phụ nữ…

Hội LHPN huyện Kbang tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng tại thị trấn Kbang
Hội LHPN huyện Kbang tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng tại thị trấn Kbang

Minh chứng rõ nhất, là tại xã Kông Lơng Khơng, trước đây, nhiều cặp vợ chồng chưa ý thức sinh con theo kế hoạch nên nhà nào cũng sinh đông con. Cùng với đó, hủ tục khi đau bệnh thì mời thầy về cúng bái chứ nhất định không đi bệnh viện. Theo đó, gánh nặng sinh nở, nuôi dưỡng con đè nặng lên đôi vai người phụ nữ, trẻ em thì suy dinh dưỡng, gia đình nheo nhóc, khó khăn trăm bề.

Trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, thành lập mô hình… giúp phụ nữ DTTS xã Kông Lơng Khơng nâng cao ý thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái. Từ đó, quan niệm sinh đông con và tư duy về kết hôn của nam nữ thanh niên người DTTS trên địa bàn cũng dần thay đổi, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Đồng thời, việc chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em cũng được nâng lên. Đặc biệt, nam giới cũng nâng cao trách nhiệm, kiến thức bình đẳng giới, chăm sóc vợ con khoẻ mạnh, cùng nhau chia sẻ khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Người dân làng Bờ - Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang thường xuyên được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Người dân làng Bờ - Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang thường xuyên được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Ông Đinh Văn Thang, Thôn trưởng làng Bờ - Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang phấn khởi nói: Bờ - Chư Pâu là làng đặc biệt khó khăn với hơn 98% là đồng bào Ba Na. Trước đây, trong làng còn tồn tại những hủ tục như tảo hôn, tự tử, cúng bái, lễ hội dài ngày…

Từ khi bà con được tham gia các lớp tập huấn, đợt tuyên truyền của chính quyền địa phương, Hội LHPN, và những hoạt động thiết thực từ Dự án 8 mang lại thì nhận thức được nâng lên rõ rệt, các hủ tục đã dần được xóa bỏ. Theo đó, phụ nữ biết tự tin tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, trẻ em được quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học tập tốt. Nam giới trong làng biết yêu thương vợ con, quan tâm chăm lo gia đình. Từ những kết quả đó, tỷ lệ hộ nghèo của làng đã giảm đáng kể, từ 32 hộ (năm 2023) xuống còn 23 hộ nghèo (năm 2024).

Thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Kbang đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tập huấn lồng ghép giới, đối thoại chính sách, thành lập và duy trì 32 mô hình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. 

Cùng với đó, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý các mô hình, phổ biến các văn bản liên quan đến bạo lực gia đình, nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng…, với gần 2.000 lượt người tham dự.

Huyện Kbang (Gia Lai) đã thành lập và duy trì 32 mô hình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
Huyện Kbang (Gia Lai) đã thành lập và duy trì 32 mô hình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Đặc biệt, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức Chiến dịch truyền thông, truyền thông lồng ghép tuyên truyền phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại xã Kông Lơng Khơng với 80 hội viên phụ nữ tham gia. Đồng thời triển khai đến cơ sở Hội phối hợp Trạm y tế xã tuyên truyền tư vấn hỗ trợ phụ nữ mang thai khám thai định kỳ và vận động đến sinh con tại cơ sở y tế.

Bà Đinh Thị Triết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: Huyện miền núi Kbang còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Vì vậy, thông qua các hoạt động tuyên truyền, Chiến dịch truyền thông được tổ chức với mong muốn trang bị thêm những thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh; đồng thời, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em DTTS được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương… 

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em để có thêm nhiều gia đình bình an là nền tảng để xây dựng một xã hội hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.