Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Khánh Hòa: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến

PV - 09:44, 01/08/2019

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 6.550 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong, phát hiện và xử lý 336 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng hơn 5 lần, số ổ dịch tăng gấp 8 lần. Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc đứng đầu khu vực miền Trung.

Nhiều trẻ em bị SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế ở Khánh Hòa. Nhiều trẻ em bị SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế ở Khánh Hòa.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm trước, thông thường đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 9, 10 rồi giảm dần ở các tháng cuối năm và những tháng đầu năm sau. Tuy nhiên năm 2018, đỉnh dịch lại rơi vào tháng 12 (với 2.415 ca mắc), kéo theo những tháng đầu năm 2019 số ca mắc tăng cao. Cụ thể, từ tháng 1 đến 3/2019, toàn tỉnh ghi nhận từ 1.040 ca đến hơn 2.230 ca/tháng (gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ), từ tháng 4-6 số ca mắc giảm, dao động từ 490 đến 600 ca/tháng (gấp 5 lần).

Ông Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, SXH là bệnh dịch lưu hành hằng năm tại địa phương nên công tác phòng, chống dịch luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ. Ngay từ đầu năm, ngành Y tế đều có kế hoạch phòng, chống dịch; đồng thời, chủ động tập trung nguồn lực can thiệp đón đầu trước khi dịch xảy ra. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Gần 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa luôn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất, nhì khu vực miền Trung.

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể do sự thay đổi bất thường của thời tiết: nắng nóng kéo dài, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển; chu kỳ dịch thay đổi, từ 5 năm mới có một năm dịch lớn, hiện nay đã rút ngắn xuống còn 3 năm. Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trên toàn tỉnh, nhất là tại TP. Nha Trang, nơi có nhiều công trình xây dựng nhưng chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch góp phần làm tăng số ca mắc SXH.

Bên cạnh đó, hoạt động phòng, chống dịch cơ bản (diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại nhà) chưa được người dân quan tâm, thực hiện triệt để theo khuyến cáo của ngành Y tế; phun hóa chất diệt muỗi không đạt độ bao phủ. Bên cạnh đó, chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch còn gặp vướng mắc, lượng máy phun hỏng, chậm được thay thế… đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch SXH.

Theo ông Nguyễn Đình Thoan, Phó Giám đốc Sở Y tế, để công tác phòng, chống bệnh SXH đạt hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể cần đầu tư công tác truyền thông theo hướng để người dân không những hiểu biết về bệnh dịch mà phải thay đổi thói quen giữ vệ sinh môi trường, chủ động diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình để phòng bệnh; có chế tài xử lý cán bộ thực hiện chưa hết trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ diệt lăng quăng tại các hộ gia đình và cả những hộ không thực hiện phòng, chống dịch theo khuyến nghị của ngành Y tế. UBND tỉnh cần xây dựng chế tài quy định chủ thầu các công trình xây dựng phải có trách nhiệm thực hiện diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các công trình đang thi công.

Theo cảnh báo của ngành Y tế, theo chu kỳ của dịch bệnh, khả năng trong những tháng tiếp theo, số ca mắc sẽ tăng trở lại, người dân và các ngành chức năng không được chủ quan, lơ là.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục