Các đại biểu tham dự Hội nghịTheo báo cáo tại Hội nghị, sau 4 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các xã miền núi. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa đã bố trí ngân sách địa phương đối ứng 27,7% trên tổng vốn Trung ương hỗ trợ, tăng 12,7% so với quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết tháng 3/2025, tổng số nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là trên 790 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 619 tỷ đồng. Tổng số vốn giải ngân là trên 489 tỷ đồng; đạt đạt 87,3% kế hoạch.
Chương trình MTQG 1719 góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm là 7,2% năm; thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm, tăng 2,14 lần so với năm 2020; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh cho Nhân dân... đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang tạo điều kiện và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao chất lượng dạy và học; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được cải thiện; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện tốt hơn.
Đến nay, hầu hết các mục tiêu đề ra đã hoàn thành, một số mục tiêu còn lại sẽ thực hiện hoàn thành trong năm 2025; 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo; trên 50% số xã, thôn thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn; quốc phòng an ninh được giữ vững; niềm tin của Nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng đối với Đảng, chính quyền được tăng cường, củng cố.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghịTại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ kết quả đạt được và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc như: Quy mô của Chương trình lớn, gồm nhiều Dự án, Tiểu dự án thành phần, phạm vi, nội dung, đối tượng đầu tư liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Khối lượng các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức thực hiện Chương trình lớn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung nên cập nhật, theo dõi và áp dụng thực hiện của cơ sở còn khó khăn, lúng túng; trùng lặp về nội dung đầu tư, gây khó khăn trong triển khai và quản lý Chương trình. Một số tiểu dự án cùng một nội dung hỗ trợ nhưng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia lại có mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ khác nhau, dẫn đến trong quá trình triển khai còn lúng túng, chưa đồng nhất…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị và Nhân dân các dân tộc trên đia bàn tỉnh đã đóng góp vào những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Tấn Tuân cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định trong việc triển khai Chương trình. Một số chính sách chậm đi vào thực tế; thủ tục đầu tư còn phức tạp, giải ngân chưa đồng đều; một số công trình chưa hoàn thành đúng tiến độ. Công tác tuyên truyền có nơi chưa sâu sát, cán bộ cơ sở còn bất cập.
Trên cơ sở đó, để triển khai thực hiện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra tạo tiền đề để chuẩn bị tốt cho giai đoạn 2026 - 2030, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị trong thời gian đến cần quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đó bằng những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực, có tính đột phá để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn; công tác dân tộc và chính sách dân tộc phải được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật, đáp ứng sự kỳ vọng và lòng mong mõi của đồng bào các DTTS, góp phần xây dựng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân gợi ý 6 vấn đề để các sở, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào các DTTS trong tỉnh suy nghĩ, nghiên cứu và triển khai thực hiện nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những thành tựu đã đạt được để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 đó là:
Các cấp ủy đảng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Chăm lo xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi thật sự có tâm, có tầm và có trách nhiệm cao.
Để làm thay đổi tư duy, nhận thức của con người thì nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn và công tác tuyên truyền vận động phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (đứng giữa, áo trắng) tặng Bằng khen các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo bền vững đó là phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ và du lịch; Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo điều kiện, động lực cho phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tăng cường và chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm, diễn biến tư tưởng trong Nhân dân, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện, tình hình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện Chương trình.
Phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.