Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi sắc ở xã bãi ngang Ngư Thủy Nam

PV - 11:31, 02/03/2018

Vượt qua khó khăn do sự cố môi trường biển, ngư dân ở xã biển bãi ngang Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn bám biển vươn khơi. Những tàu thuyền cập bến luôn đầy tôm cá tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Ngoài ra ở trên bờ, người dân cũng chủ động chuyển đổi sinh kế đào ao trên cát nuôi cá lóc để kiếm thêm thu nhập…

Bội thu trong mùa biển động

Ngư dân Ngô Thanh Sơn, ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam chia sẻ: Đã qua rồi giai đoạn khó khăn, hiện giờ biển đã bình yên trở lại, ngư dân tự tin cho thuyền ra khơi đánh bắt tôm cá. Từ đầu vụ cá bắc (vụ cá bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài trong suốt mùa biển động) đến nay ngư dân chúng tôi may mắn được biển cho “lộc” nên phấn khởi lắm. Hết ruốc, đến cá khoai và mấy hôm nay là cá bẹ xước, vừa được mùa, vừa bán được giá, nên chúng tôi rất phấn khởi.

Theo ông Sơn nếu may mắn trúng mẻ cá bẹ xước thì trung bình sau mỗi chuyến ra khơi 1 ngày đêm sẽ đánh bắt được khoảng hơn 3 tạ cá, cho thu nhập gần 30 triệu đồng.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi. Ảnh MH Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi. Ảnh MH

 

Cũng như ngư dân Ngô Thanh Sơn, ngư dân Nguyễn Văn Phương ở thôn Liêm Bắc sau một đêm đánh bắt cũng đem về khoản thu nhập lớn cho gia đình. Anh Phương cho biết: “Đêm nay, ra khơi buông lưới trúng ngay đàn cá bẹ, chỗ này của anh em tui cũng được hơn 2 tạ, kiếm được hơn 20 triệu đồng rồi”, nếu tiếp tục may mắn thì bà con ngư dân chúng tôi không lo phải nghèo đói nữa, anh Phương phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam cho biết, toàn xã hiện có 340 chiếc thuyền nan gắn máy dưới 20CV. Sau sự cố môi trường biển phải nằm bờ một thời gian dài, từ đầu năm 2017 đến nay, ngư dân trong xã đã liên tục ra khơi đánh bắt. Đặc biệt, trong vụ cá bắc, dù đây là mùa đông biển động nhưng lại là mùa mà ngư dân thường đánh bắt được những loài cá ngon, có giá trị kinh tế cao.

“Đáng mừng là từ đầu vụ cá bắc đến nay, ngư dân Ngư Thủy Nam liên tục trúng các loại cá, như: cá khoai, cá bẹ xước, cá hố... Thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này, dù vụ cá chưa kết thúc, nhưng ngư dân toàn xã đã đánh bắt được hơn 300 tấn cá, thu về gần 30 tỷ đồng...”.

Thêm nghề để vượt khó

Theo ông Nguyễn Phương Lâm, lâu nay, địa phương độc canh nghề biển, sự cố môi trường biển xảy ra đột ngột khiến chính quyền, người dân lúng túng, thậm chí bế tắc. Cũng may, nhờ sự hỗ trợ, định hướng kịp thời của các cấp, các ngành, cộng với số tiền đền bù, người dân sớm vượt qua khó khăn, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn tìm nghề mới, đầu tư cho sản xuất, tránh quá phụ thuộc vào nghề biển gần bờ.

“Những tưởng, nghề nuôi cá lóc chỉ có bà con vùng đồng bằng, đầm phá mới làm được, nhưng không ngờ lại phát triển khá tốt ở xã vùng biển bãi ngang này. Sau sự cố môi trường biển, nghề nuôi cá lóc được xem là nghề “cứu cánh” giúp ngư dân nơi đây vượt qua mùa biển đầy khó khăn”, ông Lâm cho biết.

Theo thống kê, Ngư Thủy Nam có 750 hộ, khoảng 3.300 nhân khẩu thì có 316 hộ đầu tư trên 400 ao nuôi cá lóc trên cát. Năm 2017, sản lượng cá lóc hơn 230 tấn, doanh thu khoảng 11,5 tỷ đồng, một nguồn thu không hề nhỏ trong lúc khó khăn”, ông Lâm cho biết.

Ông Trần Đức Ngọ, một ngư dân nuôi cá lóc thành công nhất hiện nay ở xã Ngư Thủy Nam cho biết, nuôi cá lóc là một nghề nuôi dễ nhất trong các nghề nuôi trồng thủy sản. Cá lóc ít bệnh tật, tạp ăn, chóng lớn.

Đặc biệt, Ngư Thủy Nam có lợi thế khi tận dụng các loài cá biển ít giá trị kinh tế, đưa vào cho cá lóc ăn. Chỉ cần vài tháng nuôi, cá có thể được xuất bán với giá cao hơn thị trường, vì cá ăn cá, không ăn thức ăn công nghiệp, được thị trường ưa chuộng. “Gia đình tui hiện có 13 hồ nuôi cá lóc, năm vừa qua thu hơn 10 tấn, lãi hơn 500 triệu đồng”, ông Ngọ chia sẻ.

Theo ông Lâm, chỉ sau hơn một năm sự cố môi trường biển, Ngư Thủy Nam về cơ bản đã xóa được thế độc canh nghề biển. Tuy nhiên, hướng phát triển kinh tế chính của xã vẫn là nghề biển. Để nghề biển phát triển bền vững, xã đang khuyến khích người dân mạnh dạn đóng tàu lớn vươn khơi. Chính quyền xã cũng như ngư dân rất mong muốn được tiếp cận vốn hỗ trợ để đóng tàu đánh bắt xa bờ. Như thế, ngư dân các xã như Ngư Thủy Nam mới có cơ hội thoát nghèo, làm giàu bền vững.”

THỨ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.