Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Bình: Nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu cấp nước sinh hoạt

PV - 15:33, 19/10/2018

Những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống, việc không được thụ hưởng “Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” là một thiệt thòi rất lớn. Tỉnh Quảng Bình là một ví dụ điển hình.

nước sịn hoạt Người dân miền núi Quảng Bình luôn mong muốn có nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được sử dụng nước hợp vệ sinh).

 

Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn hiện có 110 công trình nước sạch, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng hoặc các nơi đông dân cư. Còn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, chủ yếu là các công trình cấp nước nhỏ lẻ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn diễn ra khá nghiêm trọng.

Như xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) hiện mới chỉ có 6/18 bản được dùng nước sinh hoạt từ các công trình nước tự chảy. Còn tại xã miền núi Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) có 7 thôn thì chỉ 3 thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các thôn còn lại với hơn 350 hộ dân do nước bị nhiễm phèn, không sử dụng được.

Hay tại xã biên giới Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh diễn ra trầm trọng từ nhiều năm nay. Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Lâm Thủy phải lấy nước từ sông Long Đại hoặc các khe, suối về dùng.

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, miền núi. Ngoài ra, nhiều gia đình đã được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách để xây công trình nước và công trình vệ sinh.

Như ở huyện Bố Trạch, tính đến hết tháng 9/2018, dư nợ cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 69 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp trên 14 nghìn lượt hộ gia đình xây dựng trên 27.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Tuy nhiên, với những địa phương miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống như Minh Hóa, Tuyên Hóa, đời sống của người dân còn rất khó khăn nên việc tiếp cận vay vốn, dù là ưu đãi, để xây công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh là rất hạn chế. Như ở Minh Hóa, số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thấy, trong 15 năm (2003-2017), nguồn vốn tín dụng triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mới thực hiện được 2.234 công trình nước sạch, 1.886 công trình vệ sinh.

Dẫn chứng như vậy để thấy, việc thực hiện mục tiêu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân miền núi ở tỉnh Quảng Bình là một nhiệm vụ rất gian nan. Theo Kế hoạch số 2302/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Chương trình cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2025, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%; đưa tỷ lệ hệ thống cấp nước tập trung nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%. Đây là mục tiêu rất khó thực hiện nếu Quảng Bình thiếu nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án.

ĐÀM DIỆP

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Tiếp tục sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 15C

Thanh Hóa: Tiếp tục sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 15C

Rạng sáng 26/8, mưa lớn đã gây sạt lở taluy dương nghiêm trọng trên Quốc lộ 15C đoạn qua bản Táo, xã Trung Lý (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa). Một khối lượng đất, sỏi trên đồi tràn xuống chắn ngang đường khiến phương tiện không thể lưu thông qua vị trí này.