Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kon Tum: Nông dân Đăk Hà phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Ngọc Chí - 16:08, 18/07/2024

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu nuôi tằm. Tuy mới phát triển không lâu, song những tín hiệu khả quan về hiệu quả kinh tế là cơ sở để huyện triển khai nhân rộng. Góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trồng dâu nuôi tằm đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Lê Văn Liễu (áo trắng)
Trồng dâu nuôi tằm đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Lê Văn Liễu (áo trắng)

Sau thời gian tìm hiểu và thử nghiệm, đầu năm 2022, ông Lê Văn Liễu ở thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà quyết định đầu tư trồng 1ha cây dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, chỉ trong thời gian 6 tháng, vườn dâu đã cho thu hoạch lá để gia đình nuôi 6 hộp tằm giống mỗi đợt, tương đương gần 5 tạ kén tằm thành phẩm.

Ông Lê Văn Liễu chia sẻ: Về đầu ra sản phẩm kén tằm hiện nay rất ổn định. Như tôi thì đã liên kết trực tiếp với bên Công ty Dâu tằm Minh Hóa ở tỉnh Gia Lai, họ cung ứng tất cả nguồn giống. Đến khi có thành phẩm, họ thu mua tận nơi. Với giá thành hiện tại, 1ha trồng dâu nuôi tằm mang về khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi đợt nuôi.

Nhiều hộ dân xã Đăk Hring đã chuyển đổi sang trồng cây dâu để nuôi tằm
Nhiều hộ dân xã Đăk Hring đã chuyển đổi sang trồng cây dâu để nuôi tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã hình thành và phát triển tại huyện Đăk Hà nhiều năm, với quy mô nhỏ lẻ. Thời gian gần đây, nhờ chủ động được nguồn cung ứng giống, đầu ra với giá thành ổn định, nhiều hộ dân bắt đầu mở rộng quy mô và liên kết để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Riêng tại xã Đăk Hring, UBND xã đã vận động các hộ gia đình thành lập Tổ hợp tác liên kết nuôi dâu tằm. Bên cạnh việc cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật canh tác để phát triển diện tích dâu nguyên liệu, Tổ hợp tác liên kết cũng đã chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm.

Bà Nông Thị Hòa (dân tộc Tày), thành viên Tổ hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà chia sẻ: Con tằm nuôi cũng không có thuốc thang gì hết nên rất yên tâm về sức khỏe, không phải lo. Mình cần giống lúc nào thì họ đưa đến lúc đó, rồi đến khi có kén thì họ lại đến mua. Nói chung nghề trồng dâu nuôi tằm phù hợp với gia đình và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Khi tham gia Tổ hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà Nông Thị Hòa được bao tiêu sản phẩm kén tằm
Khi tham gia Tổ hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà Nông Thị Hòa được bao tiêu sản phẩm kén tằm

Ông Phan Văn Học – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chủ trương cải tạo vườn tạp, UBND xã đang tập trung rà soát diện tích đất của các hộ dân trên địa bàn. Đối với những hộ dân tộc thiểu số có quỹ đất từ 1 sào trở lên, xã sẽ vận động hộ dân tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cũng như lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ phát triển trồng dâu nguyên liệu. Đây là hướng đi mới, nên xã tiến hành từng bước một cách thận trọng để giúp bà con làm quen, thích nghi dần.

Hiện trên địa bàn huyện Đăk Hà có trên 30 hộ dân đã đầu tư xây dựng trại nuôi tằm lấy kén. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, nghề trồng dâu nuôi tằm không yêu cầu quá khắt khe về mặt kỹ thuật, cũng như nguồn vốn đầu tư ban đầu. Từ những tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm, UBND huyện Đăk Hà đã tổ chức ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm để giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững.

Nông dân xã Đăk Mar thu hoạch kén tằm
Nông dân xã Đăk Mar thu hoạch kén tằm

Ông Nguyễn Thiện Tú – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà cho biết: Trung tâm sẽ làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để chuyển giao khoa học kỹ thuật và phối hợp mở các lớp đào tạo nghề trồng dâu, chăm sóc tằm cho các hội viên nông dân, cũng như liên kết để bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho người nông dân.

Với những ưu thế của nghề trồng dâu nuôi tằm đã được kiểm chứng, cùng nhu cầu thị trường hiện nay, việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ là bước khởi đầu cho chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn. Giúp phát huy được tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn lực về lao động phổ thông... Qua đó, tạo cơ hội giúp các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có thể vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.