Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần tiếp tục đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN

PV - 08:39, 29/05/2018

Ngày 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu. Ảnh: TTXVN Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu. Ảnh: TTXVN

 

Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội cho thấy: Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%. Tổng tài sản của các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của Nhà nước năm 2016 là 495.126 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2011. Ngoài ra, các DNNN đã làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo với tổng kinh phí giai đoạn 2011-2016 của Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty là 9.558 tỷ đồng. Về cổ phần hóa DNNN, giai đoạn này, cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước có tốc độ tăng chậm. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp. Tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ...

Qua kết quả giám sát, đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN, vừa chỉ ra những hạn chế, yếu kém của khối doanh nghiệp nhưng phải làm rõ đây là nguồn lực quan trọng, chủ yếu, có liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế của đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định, công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Qua đó các đại biểu đề xuất cần kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần DNNN (xây dựng Luật Cổ phần hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia quá trình cổ phần hóa DNNN...).

Xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa DNNN. Nâng cao chất lượng quản trị DNNN, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách thực chất.

Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, cổ đông, người lao động khi cổ phần hóa DNNN. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, qua đó việc quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN được thực hiện chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ cũng cùng các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án cổ phần hóa, nếu phát hiện vấn đề thiếu minh bạch, không phù hợp sẽ có biện pháp xử lý. Có giải pháp giải quyết vấn đề đất đai nông, lâm trường...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: Trong quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, chồng chéo giữa chức năng quản lý Nhà nước với quản trị doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, mất mát vốn, lãng phí, thậm chí sai phạm... Bộ trưởng nhấn mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước cần làm rõ các nguyên tắc cơ bản để khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả. Phân định rạch ròi giữa quản lý Nhà nước với quản trị doanh nghiệp. Nội luật hóa các cam kết quốc tế...

THANH HUYỀN