Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Cần hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng

PV - 22:49, 13/11/2018

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác PCTN năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong PCTN; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 13/11. Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 13/11.

Về kết quả công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.379 cuộc thanh tra hành chính và 212.589 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 46.447 tỷ đồng, 41.560 ha đất; kiến nghị thu hồi 27.173 tỷ đồng và trên 422 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 893 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 119.412 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 9.831 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 108 vụ, 116 đối tượng….

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng thẳng thắn nêu rõ, mặc dù đã có chiều hướng thuyên giảm nhưng tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Cùng với đó, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp…

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, về cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN và đề ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để; Báo cáo vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng với các sai phạm khác được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để công tác PCTN triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả. Sớm thông qua Luật PCTN (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN…

Cũng trong ngày 13/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác PCTN năm 2018.

THANH HUYỀN