Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh tự chủ đại học

PV - 15:38, 07/11/2018

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày cho thấy: Đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này.

Quốc hội làm việc tại Hội trường ngày 6/11. Quốc hội làm việc tại Hội trường ngày 6/11.

Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát; do đó, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế Hội đồng trường trong trường đại học là cần thiết. Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của Hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của Hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.

Để thúc đẩy giáo dục đại học tư thục trong thời gian tới, dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận; quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đồng thời, quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của giáo dục đại học và không thương mại hoá.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu cho rằng, tự chủ đại học sẽ tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, và đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để quá trình tự chủ trong các trường đại học được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu toàn cầu, là điều kiện quan trọng trong phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo một cách thực chất, là cơ hội để các trường nâng cao đẳng cấp, thứ bậc và danh tiếng. Chính vì vậy, việc mở rộng phạm vi tự chủ và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học là cấp thiết. Do đó, cần sớm ban hành hành lang pháp lý toàn diện cho tự chủ đại học.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chính sách xuyên suốt của sửa đổi luật lần này nhằm tháo gỡ nút thắt về tự chủ đại học. Để thực hiện chính sách này, cần phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục đại học. Đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách giáo dục đại học thời gian qua và giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tạo ra môi trường pháp lý về giáo dục đại học và sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Cũng trong ngày 6/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

THANH HUYỀN