Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
Hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản, nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hóa - xã hội. Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 9 cũng đã đề cập, khái quát những nét cơ bản nhất các giá trị của một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng.
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Để hiện thực hóa nội dung này, Ủy ban Dân tộc xác định thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa DTTS, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết; các lễ hội truyền thống tốt đẹp, xây dựng và nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương…
Đó là những giá trị dân tộc, nhân văn, hiện đại và khoa học. Đây là những giá trị rất cơ bản để tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nền văn hóa truyền thống, nhưng hiện đại, nền văn hóa ấy kết tinh những giá trị của một khoa học đó chính là những giá trị cơ bản nhất của văn hóa.
Tại Hội thảo ““Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” tổ chức ngày 29/11/2022, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học là “hệ giá trị tổng quát”, “hệ giá trị gốc”, “hệ giá trị chủ đạo” của hệ giá trị văn hóa Việt Nam, từ đó có thể triển khai thành các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.
“Có thể nói hệ giá trị này đã cố gắng kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị mới của nhân loại và thời đại, nhằm hướng đến hiện đại, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai”, ông Sơn cho biết.
Thực tế cho thấy, xét về mặt văn hóa tộc người, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa. Trong đó, văn hóa 53 DTTS ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi; ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam.
Trong sự thống nhất đó, mỗi cộng đồng DTTS lại có những bản sắc truyền thống riêng, có khả năng khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Sự đa dạng trong thống nhất đó làm nên hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà ban sắc dân tộc Việt Nam.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hệ giá trị văn hóa không tồn tại chung chung, mà rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội. Trong xã hội học, đây là các môi trường xã hội hóa quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách của con người. Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành giá trị văn hóa là qua các bài học làm gương, thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác.
“Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác”, Ông sơn khuyến nghị.
Bảo tồn, phát huy sức mạnh nội sinh
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Hệ giá trị văn hóa qua từng chặng đường lịch sử cũng có thể khác nhau. Ví dụ giá trị yêu nước ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau, yêu nước thời chiến tranh là ra trận, là “đấu tranh giành độc lập dân tộc”, yêu nước thời bình là ra sức xây dựng đất nước, làm giàu cho đất nước hay giá trị cần cù, đề cao kinh nghiệm trong xã hội tiểu nông đã thay đổi, xã hội đương đại đề cao giá trị sáng tạo...”, bà Châm phân tích.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để bảo tồn, phát huy sức mạnh nội sinh từ hệ giá trị văn hóa thì cần hoàn thiện thể chế, chính sách để đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội; đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội, đồng thời, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị…
Thực tế, những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “hội nhập mà không hòa tan” là một chủ trương đúng đắn trong chiến lược phát triển toàn diện của đất nước.
Đặc biệt, đối với cộng đồng các DTTS Việt Nam, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được triển khai thực hiện thông qua hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ khá toàn diện. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa; từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa - du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và năm 2019), đã có 559 nghệ nhân là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc, như võ cổ truyền, Vôvinam, đấu gậy, vật dân tộc,… đã đạt mục tiêu đề ra. Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS…
Theo các chuyên gia về văn hóa, động lực để xây đắp hệ giá trị văn hóa quốc gia tiên tiến, đậm đà bản sắc chính là hệ giá trị gia đình Việt Nam. Những giá trị được chưng cất từ lòng hiếu thảo, tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng đến giai đoạn vận động hội nhập và phát triển của xã hội đã kết tinh thành “sức mạnh mềm” để dân tộc phát triển.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung nàytrong số báo tiếp theo.