Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lao động hồi hương và câu chuyện an sinh: Cần chiến lược bài bản, lâu dài (Bài 3)

Lê Hường-Phan Trọng - 19:06, 19/10/2021

Các tỉnh Tây Nguyên đã và đang rất nỗ lực hỗ trợ công dân hồi hương, nhưng tất cả mới chỉ là giải pháp tạm thời. Để người trở về tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, giải quyết bài toán việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là lao động hồi hương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cần phải được tính toán kỹ với chiến lược kế hoạch bài bản, lâu dài.

 Cần nhìn nhận lại một cách tổng thể nhất công tác đào tạo nghề. (Trong ảnh: Một lớp đào tạo nghề ở Đắk Nông)
Công tác đào tạo nghề cũng cần phải rà soát, đánh giá lại để có kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương . (Trong ảnh: Một lớp đào tạo nghề ở Đắk Nông)

Thích ứng với bối cảnh mới

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có gần 2.000 người trở về từ các tỉnh phía Nam, trong đó hơn 90% là người trong độ tuổi lao động. Khi trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nghiêm Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết: Trong 9 tháng năm 2021, huyện đã đào tạo nghề cho 630 lao động, qua đó đã giải quyết việc làm cho 605 trường hợp.

Đối với các lao động trở về từ phía Nam, sau khi thực hiện các quy định cách ly để phòng, chống dịch, UBND huyện Cư Jút đã thống kê, khảo sát nhu cầu, khả năng của từng người lao động, qua đó đã giải quyết việc làm được khoảng 20%. 

Lợi thế của huyện Cư Jút là có Khu công nghiệp Tâm Thắng đứng chân trên địa bàn, lại giáp ranh với Khu công nghiệp Hòa Phú của TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nên chính quyền địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này, ưu tiên sử dụng lao động về quê có tay nghề, để họ sớm ổn định cuộc sống.

Tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông), theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND, toàn huyện có hơn 1.000 lao động từ vùng dịch về địa phương. Các lao động sau khi hoàn tất việc cách ly y tế theo quy định đều đã trở về gia đình. UBND huyện đã có hướng dẫn, thông báo về phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch. Qua khảo sát, toàn huyện có khoảng hơn 40% người lao động đã có việc làm sau khi trở về địa phương. 

Huyện đang liên hệ với các doanh nghiệp, nhà máy có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để kết nối, hướng dẫn và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho lao động được tiếp cận với các gói cho vay ưu đãi để giải quyết việc làm.

Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2020 đến tháng 9/2021, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm của tỉnh là 31.294 lượt người. Trong đó, tạo việc làm trong nước là 30.992 lượt người, đi làm việc ở nước ngoài là 302 người.

Nhiều lao động vẫn loay hoay tìm một việc làm ổn định tại quê nhà
Nhiều lao động vẫn loay hoay tìm một việc làm ổn định tại quê nhà

Bài toán việc làm lâu dài

Trước thực trạng hàng chục nghìn lao động trở về quê, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm đang được tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, xây dựng Đề án giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Đến nay, Sở đã xây dựng xong dự thảo Đề án giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về. Tuy nhiên, do số người dân về tiếp tục tăng nên Sở sẽ thống kê, phân tích, sau đó xây dựng các phương án đào tạo hoặc dạy nghề, giới thiệu việc làm... phù hợp.

Ngày 5/10, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp bàn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tại cuộc họp, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu, tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho trên 90.000 lượt người, trong đó tạo việc làm cho đồng bào DTTS chiếm khoảng 30% so với tổng số lao động được tạo việc làm của tỉnh. Số lao động tạo việc làm trong nước là 89.000 lượt người, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.000 người.

"Trong thời điểm hiện tại, lực lượng lao động trở về địa phương rất lớn, đây vừa là thời cơ, nhưng cũng là thách thức với các địa phương cần có giải pháp cụ thể, căn cơ và lâu dài", bà Hạnh nhấn mạnh. 

Bức tranh lao động hồi hương và câu chuyện an sinh không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được. Do đó, với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép, trong bối cảnh này, các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành và các đơn vị liên quan, cần nhìn nhận lại một cách tổng thể nhất công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, để chuyển đổi kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, các đơn vị cần tiếp tục khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc, nhất là lao động bị ảnh hưởng do Covid-19 trở về; chủ động xây dựng chính sách kết nối, tạo việc làm; các phương án chuyển đổi nghề nghiệp; chú trọng hơn cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương và sử dụng lao động của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Đã nhiều lần về với Môn Sơn (Con Cuông) để ghé thăm nhà cụ Vi Văn Khang- một địa chỉ đỏ nơi miền Tây xứ Nghệ, thăm người Đan Lai ngủ ngồi trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, thăm những bản làng người Thái hay lam hay làm bên dòng sông Giăng thơ mộng… Mỗi lần mỗi khác, nhưng cảm nhận về sự đổi thay, bứt phá nơi đây thì ngày càng đậm nét.