Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018: Tôn vinh giá trị làng nghề phố cổ

PV - 14:03, 26/04/2018

Ngay từ sáng sớm ngày 22/4, tại đình Kim Ngân, phố cổ Hà Nội (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội), “Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018” đã chính thức khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi, như: lễ rước và dâng hương tôn vinh tổ nghề. Lễ rước kiệu được xuất phát từ đình Kim Ngân đi qua các phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Lò Sũ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào. Việc tổ chức Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu, Chủ tịch Hội kim hoàn Định Công trình diễn công đoạn đậu bạc tại Lễ hội chia sẻ: Đình Kim Ngân ở 42-44 phố Hàng Bạc, là một trong những đình cổ của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Phố Hàng Bạc trước đây có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén và đổi tiền của người dân làng Châu Khê (Hải Dương), nghề kim hoàn của người dân làng Định Công (Hà Nội) và Đồng Xâm (Thái Bình).

Lễ hội là dấu ấn văn hóa sinh động, có ý nghĩa thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị văn hóa lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu, Chủ tịch Hội kim hoàn Định Công trình diễn công đoạn đậu bạc tại Lễ hội. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu, Chủ tịch Hội kim hoàn Định Công trình diễn công đoạn đậu bạc tại Lễ hội.

Bác Phạm Huy Dũng, một trong những gia đình sinh sống lâu đời ở phố Hàng Bạc, cho biết: Cả phố Hàng Bạc ngày nay chỉ dài khoảng 0,5km, nhưng có đến hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. Phần nhiều những cửa hàng hiện nay đã trang bị máy móc công nghệ mới từ nước ngoài, song bên cạnh đó vẫn có những gia đình còn giữ nghề chế tác đồ mỹ nghệ thủ công làm bằng tay có từ xa xưa.

Một trong số đó là nghệ nhân Nguyễn Chí Thành ở cửa hàng Hồng Châu, số 83 Hàng Bạc. Ông chia sẻ: "Nghề này đối với gia đình chúng tôi là nghề truyền thống, các đời nối tiếp nhau để lại. Mình có nghề quý tại sao không giữ. Hơn nữa mình làm nghề, trước tiên phải yêu quý cái nghề. Nhiều người hiện nay vẫn chưa hiểu hết về nghề thủ công truyền thống và thủ công công nghiệp. Ở Hàng Bạc có hàng trăm cửa hàng, nhưng nhiều đồ trưng bày hầu như cái nào cũng giống cái nào, vì đó là người ta làm bằng máy. Nhưng tôi vẫn làm bằng tay, đấy là ưu thế của gia đình chúng tôi, do vậy chúng tôi vẫn sống được bằng nghề".

 Rộn ràng lễ rước khai hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018. Rộn ràng lễ rước khai hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018.

 

Theo Ban Tổ chức, năm nay, Hội nghề kim hoàn diễn ra với các hoạt động: giới thiệu sản phẩm và trình diễn thao tác một số công đoạn làm nghề kim hoàn; thăm quan tuyến phố nghề Hàng Bạc; tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm kim hoàn của các nghệ nhân đến từ các làng nghề: Định Công-Hoàng Mai, Châu Khê-Hải Dương, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm-Thái Bình, làng nghề đúc đồng Đại Bái-Bắc Ninh, làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ-Gia Lâm (Hà Nội).

Việc tổ chức Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn 2018 là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề, giới thiệu và trình diễn nghề của một số làng nghề kim hoàn. Đồng thời, trong dịp này, Ban Tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng.

HOÀNG ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào các DTTS Bạc Liêu cần đưa di sản và bản sắc văn hóa thành nguồn lực để phát triển bền vững

Đồng bào các DTTS Bạc Liêu cần đưa di sản và bản sắc văn hóa thành nguồn lực để phát triển bền vững

Đồng bào các DTTS tỉnh Bạc Liêu cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời nhanh chóng bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin theo các luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ dân tộc. Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024.