Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Liên kết nuôi cá tra theo chuỗi giá trị: An toàn và hiệu quả

PV - 16:21, 01/10/2018

Được bình chọn là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình toàn quốc năm 2018, cựu chiến binh vùng đất Tây đô Huỳnh Thanh Bình còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và nhiều phần thưởng khác của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể. Để có được thành quả như trên, ông luôn phát huy bản lĩnh người lính, sẵn sàng “xung trận” trên mọi lĩnh vực để xây dựng quê hương.

Tỷ phú nuôi cá tra

Cựu chiến binh Huỳnh Thanh Bình (SN 1954), tham gia cách mạng phục vụ trong quân ngũ từ năm 1973, đến năm 2004 thì nghỉ hưu, về quê ở ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Về quê, ông nhận thấy, vùng đất quê hương có tiềm năng phát triển nuôi cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, do nông dân trong vùng làm ăn tự phát, nhỏ lẻ nên liên tục rơi vào cảnh bị doanh nghiệp ép giá, treo ao, phá sản. Hoặc thời điểm cá có giá, thì lại bị thất mùa do thiếu công nghệ. “Bao lần chứng kiến bà con trong xóm trắng tay vì nuôi cá tra xuất khẩu mà đau lòng”, ông Bình chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Bình kiểm tra các ao nuôi cá tra của gia đình. Ông Huỳnh Thanh Bình kiểm tra các ao nuôi cá tra của gia đình.

Sau thời gian nghiên cứu, mày mò học hỏi, cựu chiến binh Huỳnh Thanh Bình đã đi đến quyết định: đứng ra vận động, liên kết nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, ít vốn trong khu vực lại thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Năm 2010, HTX thủy sản Thắng Lợi được thành lập với 12 thành viên, ông Huỳnh Thanh Bình được các thành viên tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Với vai trò “đầu tàu”, ông Bình đã liên kết nuôi gia công, tạo nguồn nguyên liệu cho các công ty xuất khẩu cá tra lớn ở Cần Thơ và tỉnh An Giang.

Với cách liên kết này, các thành viên HTX bỏ ra gồm: ao nuôi, con giống (đảm bảo chất lượng) và công nuôi, còn doanh nghiệp đầu tư tiền thức ăn từ ngày cá giống nhập ao đến lúc bắt cá thành phẩm. Theo hợp đồng, cứ 1kg cá thành phẩm, nhà máy trả cho người nuôi từ 6.000-10.000 đồng/kg tiền công nuôi, tùy vào giá cá tra giống trên thị trường cao hay thấp, công ty đảm bảo cho người nuôi sau khi trừ chi phí có lãi từ 3.000-6.000 đồng/kg.

Theo ông Bình, sau gần 15 năm kinh nghiệm làm nghề nuôi cá tra xuất khẩu, phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì sản xuất mới thành công. Sản xuất liên kết theo chuỗi chấp nhận lãi không cao như thị trường bên ngoài, nhưng người nuôi cá tra được bảo đảm an toàn từ đầu vào nguyên liệu, đến đầu ra sản phẩm, không bị áp lực vốn mua thức ăn. Đặc biệt, người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tranh thủ sự hỗ trợ chuyên gia, nhà khoa học, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Hà Thanh Nhựt, Chủ tịch xã cũng là thành viên gắn bó với Hợp tác xã từ những ngày đầu thành lập, cho biết: Với cách làm an toàn, hiệu quả đó, 8 năm qua HTX luôn thành công, thu lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Năm 2015 cá tra của HTX Thắng Lợi được công nhận đủ chuẩn VietGap nên việc làm ăn càng thuận lợi hơn.

Năm 2017, HXT thu gần 7.000 tấn cá tra. Riêng ông Bình với 13 ao nuôi (diện tích 5ha), tổng thu các đợt hơn 1.500 tấn, thu về gần 33 tỷ đồng, lợi nhuận 7-8 tỷ đồng. Diện tích nuôi cá của HTX được thiết kế theo hệ thống dây chuyền hiện đại, kỹ thuật nuôi tiên tiến, mỗi ao thả nuôi trên 100.000 con.

Hiện nay, HTX giải quyết việc làm cho 20 lao động làm việc dài hạn, mức lương 4,5 triệu đồng/tháng và 76 lao động làm việc thời vụ, với mức lương từ 400-500.000 đồng/ngày”.

Chia sẻ với cộng đồng

Thành công trong sản xuất kinh doanh, gần 30 năm qua, cựu chiến binh Huỳnh Thanh Bình luôn quan tâm hưởng ứng tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây cầu, cất nhà, làm đường...

Điển hình, từ năm 2010 đến 2016, gia đình ông Bình đã đóng góp quỹ an sinh xã hội cho địa phương mỗi năm trên 80 triệu đồng, để làm những công việc cụ thể như sửa chữa, tu bổ cầu, đường nông thôn… Riêng năm 2016, ông hiến 600m2 đất cho UBND xã Vĩnh Bình xây dựng điểm cấp nước sạch cho người dân trong xã. Năm 2017, ông tiếp tục hiến 6.000m2 đất (tương đương 660 triệu đồng) để làm đường giao thông liên ấp đến xã; đồng thời hỗ trợ cho người cao tuổi và khó khăn.

Ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh bộc bạch: Năm 2017, xã Vĩnh Bình đã được công nhận xã nông thôn mới. Kết quả này có vai trò đóng góp rất lớn của anh Tư Bình. Anh Tư Bình sống rất có trách nhiệm, ngoài việc tham gia đóng góp tiền của, vật chất, anh cũng luôn thẳng thắn, mạnh dạn đóng góp ý kiến trong xây dựng Đảng, chính quyền; góp ý cho cho đồng chí, đồng đội khắc phục khó khăn, thiếu sót, hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế-xã hội...

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.