Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Lung linh ánh nến - Lung linh tình người

Lê Vũ - 08:17, 20/11/2021

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đã phải chịu nhiều tổn thương và mất mát do đại dịch Covid-19 gây ra trong thời gian vừa qua. Để tạm khép tại nỗi đau, đoàn kết bước tiếp trên con đường phía trước, Đại lễ Cầu siêu để tri ân, tưởng niệm, đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, tử vong vì Covid-19 vừa diễn ra tối 19/11, trên nhiều địa phương trong cả nước, chính là một nốt lặng đầy cảm xúc, thấm đẫm tính nhân văn và tình dân tộc.

Lê Thị Hồng Yến (thứ hai bên phải) và các đồng nghiệp đều là các nhân viên y tế từng xông pha nơi tuyến đầu phòng chống dịch, hơn ai hết họ có rất nhiều cảm xúc khi tham dự đại lễ cầu siêu
Lê Thị Hồng Yến (thứ hai bên phải) và các đồng nghiệp đều là các nhân viên y tế từng xông pha nơi tuyến đầu phòng chống dịch, hơn ai hết họ có rất nhiều cảm xúc khi tham dự đại lễ cầu siêu

Ngoài Lễ tưởng niệm chính được diễn ra tại quảng trường Thống Nhất, hầu hết các quận, huyện, thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh đều tổ chức các buổi lễ cầu siêu, tưởng niệm tại các cơ sở tôn giáo. Đặc biệt là tại các quận có tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chảy qua, đều tổ chức lễ thả đèn hoa đăng sau chương trình tưởng niệm.

Những ngọn nến lung linh được đặt giữa lòng những đóa sen giấy và thắp sáng dọc bờ kênh, thả xuống dòng kênh thể hiện tấm lòng tri ân của những người dân Thành phố, những người còn ở lại đối với những người đã không may mắn trong cuộc chiến với Covid-19 khốc liệt vừa qua.

Có mặt từ rất sớm cùng với các đồng nghiệp tại khu vực làm lễ cầu siêu thuộc chùa Pháp Hoa, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, bạn Lê Thị Hồng Yến, sinh sống tại quận 7 cho biết, bản thân bạn và các bạn của mình đều đang công tác trong lĩnh vực y tế. Trong thời gian xảy ra đại dịch, các bạn đều là những người xông pha nơi tuyến đầu để hỗ trợ người dân. Tại những nơi mình đã đi qua, như bệnh viện Củ Chi, bệnh viện dã chiến số 6… đã chứng kiến những cuộc chia ly đầy xa xót, nên hôm nay Yến dành chút thời gian cùng với người dân cả nước gửi lời cầu nguyện cho những người không may và cầu nguyện cho Việt Nam sớm trở lại cuộc sống yên bình.

Bạn Phạm Ngô Đình Ẩn với ngọn hoa đăng trong tay đang thành tâm cầu nguyện
Bạn Phạm Ngô Đình Ẩn với ngọn hoa đăng trong tay đang thành tâm cầu nguyện

Tương tự bạn Phạm Ngô Đình Ẩn (quận 10) cho biết, bạn là một Phật tử, đồng thời cũng là tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch. Trong thời gian qua, chứng kiến nhiều biến động của Thành phố, bạn mong muốn hôm nay sẽ góp lời cầu nguyện của mình. Bạn Ẩn chia sẻ: “Thông qua ngọn hoa đăng này, mình cầu nguyện cho những người đã không may qua đời vì Covid-19 sẽ vãn sanh cực lạc. Bên cạnh đó, ngọn hoa đăng cũng gửi gắm lời ước nguyện của mình, mong rằng mọi người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, vì đâu biết trước ngày mai chúng ta sẽ ra sao? Hãy yêu thương mọi người ngay khi còn có thể”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khi đại dịch Covid-19 đi qua, nhưng sự mất mát chung của Thành phố này, đất nước này, nhân loại này là quá lớn. Lặng lẽ đứng trong dòng người tưởng niệm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nắm chặt bông hồng trong tay thầm khấn nguyện: “Tôi từng tuổi này, nhưng may mắn vượt qua đại dịch bình an, nên hôm nay tôi muốn cùng mọi người cầu nguyện cho hương linh những người đã mất được siêu thoát, cầu cho quốc thái dân an”.

Anh Nhật Trung một nghệ sĩ đã dùng tiếng kèn của mình thay cho lời cầu nguyện để tưởng niệm những người đã mất trong lễ cầu siêu
Anh Nhật Trung một nghệ sĩ đã dùng tiếng kèn của mình thay cho lời cầu nguyện để tưởng niệm những người đã mất trong lễ cầu siêu

Nhưng có lẽ nhiều cảm xúc và xúc động nhất trong lễ tưởng niệm, đó chính là những thân nhân còn ở lại của những người đã khuất. Cơn bão Covid-19 đã cướp đi những người thân yêu.

Chia sẻ với chúng tôi trong trạng trái khá mất bình tĩnh và đôi khi phải dừng lại để ôm mặt khóc, chị Ngụy Kim Kiên (sống ở quận 5) cho biết: “Tới bây giờ em vẫn chưa tin là mẹ em ra đi đột ngột như vậy. Giờ chỉ còn em và đứa con nhỏ sống nương tựa nhau. Em mong mẹ sẽ được an yên ở thế giới bên kia và luôn dõi theo, phù hộ cho cháu được khỏe mạnh, bình an”.

Anh Trương Quang Diệu (sống ở quận 3) đã mang theo nến và đứng cầu nguyện tại bờ kênh nơi thả hoa đăng từ rất sớm, anh có người anh trai đã không may qua đời trong đại dịch vừa qua. Với nhiều nỗi buồn còn đọng trên ánh mắt, anh chia sẻ với chúng tôi những lời từ đáy lòng: “Có buổi lễ như ngày hôm nay để Nhân dân cả nước tưởng niệm những người không may đã nằm xuống vì Covid-19, trong đó có người anh của tôi. Chúng tôi nghĩ rất là ý nghĩa, rất là nhân văn. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã nghĩ đến những gia đình có người thân mất vì Covid-19. Đây là lời động viên, an ủi, giúp chúng ta, những người đang còn sống vượt qua nỗi đau, khó khăn, xây dựng trở lại.”

Nhìn những ánh nến linh lung trên tay mọi người được thả xuống và trôi về vô tận cuối dòng kênh, trong tiếng kèn trầm buồn của một nghệ sĩ đường phố chợt cất lên, có lẽ nhiều người và ngay cả chúng tôi - khi thực hiện ghi chép này cũng không cầm được nước mắt. Ít ra, chúng ta - những người may mắn còn ở lại đã làm được một điều nho nhỏ, khiến mình nhẹ lòng hơn để bước tiếp trong cõi nhân sinh.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.