Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

“Mềm hóa” pháp luật bằng hương ước

PV - 10:22, 08/03/2019

Để góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới, thời gian qua, người dân thôn Bản Phố, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã tích cực xây dựng hương ước. Bản hương ước này đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, qua đó giúp cho pháp luật đi vào đời sống một cách tự nhiên, dễ dàng.

Tăng cường sự đoàn kết

Ông Lý Seo Hồ, già làng thôn Bản Phố cho biết, hiện nay, thôn Bản Phố chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật, từ những năm 2010, già làng, trưởng thôn cùng với người dân đã xây dựng lên một bản hương ước.

Trong hương ước quy định, đối với đám cưới, mỗi hộ trong thôn sẽ phải cử người đến giúp đỡ. Khi đến, người dân sẽ mang theo gạo, củi, váy… góp với gia chủ.

Người dân đến góp gạo, củi trong đám cưới của người Mông. Người dân đến góp gạo, củi trong đám cưới của người Mông.

Đồng thời, người Mông vẫn giữ “cái lý” của mình. Cụ thể, hương ước quy định nhà trai mang sính lễ sang nhà gái gồm: Lý ông nội, lý bà ngoại là 600 nghìn đồng/người, lý anh chị em, lý bà cô, ông bác mỗi người 500 nghìn đồng/người. Lý mang ra nhà gái gồm có 1 con lợn từ 20-30kg;10 lít rượu ngày cưới.

Đối với việc đám ma, nếu trong thôn có người qua đời thì mọi người dân đều có trách nhiệm đến thăm viếng, giúp đỡ tổ chức lễ tang và đưa tang. Cụ thể: mỗi hộ trong thôn giúp gia đình 40 nghìn tiền củi; 3kg gạo; tiền mặt tùy tâm. Bên cạnh đó, người Mông giữ nhiều cái lý trong đám ma. Như hương ước quy định lý vòng hoa (bằng hiện vật hoặc bằng tiền 120 nghìn đồng); lý 1 con lợn cắp nách không bắt buộc; 1 thồ ngô hoặc 1 thồ thóc quy đổi thành tiền là 100 nghìn; 1 cái địu: trong địu có 1 cái khăn, 1 ống rượu; 1 can rượu (2 lít); lý tiền là 100 nghìn trở lên; 1 gói cơm, trong cơm có 1 miếng gan và 1 quả trứng đã được luộc chín để đem đi cúng cho người đã mất.

Để thực thi các “điều luật” này, thôn đã bầu ra 2 người đại diện thực hiện việc thu tiền lệ làng và giám sát thực hiện ở tất cả các đám cưới, đám tang. Trong trường hợp người được bầu bị ốm hoặc có việc đi vắng thì phải ủy quyền cho người khác ghi hộ.

Chế tài trong thời đại mới

Không chỉ góp phần gìn giữ sự đoàn kết của cộng đồng trong việc cưới hỏi, ma chay, hương ước của người Mông ở Bản Phố còn tăng các chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Trong hương ước ghi rõ, Nhân dân trong bản không được có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự; nhân phẩm của người khác. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời phải nộp phạt theo lệ làng. Tức là các bên vi phạm phải nộp 200 nghìn đồng về thôn để thôn tiến hành giải quyết. Mức xử phạt tối thiểu là 300 nghìn đồng trở lên, tùy vào mức độ vị phạm, ngoài ra chịu phí ăn uống hòa giải giữa 2 bên là 5kg gà, 15kg củi và 5kg gạo.

Ngoài ra, hương ước phạt rất nặng với các lỗi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và dân số kế hoạch hóa. Cụ thể, hương ước quy định cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 thì phải nộp phạt 500.000 nghìn đồng, sinh con thứ 4 thì nộp phạt 1 triệu đồng; thứ 5 thì phạt 1 triệu 500 nghìn đồng... Hương ước cũng quy định về việc cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Hương ước còn quy định, nếu người đang có vợ hoặc chồng chung sống với người khác như vợ chồng thì sẽ bị phạt như sau: tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được mà tổ hòa giải của thôn phải giải quyết thì phải chịu mức phạt là 3 triệu 800 nghìn đồng. Đồng thời, nộp phạt cho thôn tiền điện, nước, chè để bồi dưỡng cho tổ hòa giải trong buổi giải quyết ngày hôm đó.

Trong vấn đề sản xuất cũng có những quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, người nào để gia súc, gia cầm phá hoại hoa màu của người khác thì bị phạt 1.000-2.000 đồng/cây ngô, 10 nghìn/m2 lúa…

Đối với gia súc bị thất lạc, hương ước quy định người nào bắt được phải nuôi giữ và báo ngay cho trưởng thôn hoặc UBND xã để thông báo công khai cho mọi người biết mà nhận lại. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.

Ông Lý Seo Hồ cho biết thêm, những năm qua, người dân trong thôn đã thực hiện rất nghiêm túc theo bản hương ước này. Qua đó, bản làng luôn được bình yên, mọi người yên tâm sản xuất.

Nhận xét về vai trò của hương ước trong đời sống của đồng bào các DTTS, Tiến sĩ Phạm Thị Luyện, Trưởng bộ môn Xã hội học Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay, tập quán pháp được coi là 1 trong các nguồn của pháp luật. Do đó, việc hình thành hương ước ở trong vùng đồng bào DTTS là phù hợp với các quy định hiện hành.

Hơn nữa, vùng đồng bào DTTS có nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt nên việc hình thành hương ước giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn, tự nhiên hơn. Đây là một cách làm hay cần được phát huy nhân rộng.

Vùng đồng bào DTTS có nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt nên việc hình thành hương ước giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn, tự nhiên hơn. Đây là một cách làm hay cần được phát huy nhân rộng”.  (Tiến sĩ Phạm Thị Luyện, Trưởng bộ môn Xã hội học Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội).

HIẾU ANH