Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Miền núi đối mặt với nguy cơ sạt lở sau bão

Thanh Hải - 06:54, 08/09/2024

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi cảnh báo, từ chiều 7/9 đến ngày 9/9, mưa lớn sẽ làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Khi đã ngấm “no nước”, những quả đồi, ngọn núi sẽ đối diện với nguy cơ sụt xuống bất cứ lúc nào.

Hiện trường vụ lũ quét xảy ra ở xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, Lào Cai) năm 2023
Hiện trường vụ lũ quét xảy ra ở xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, Lào Cai) năm 2023

Thông tin cảnh báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn, là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Qua danh sách mà Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thống kê, có thể thấy, 15 tỉnh gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, có đến 112 huyện có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…

Những cảnh báo trên là mối lo ngại lớn khi mà ở vùng rừng núi bão vào, mưa như trút. Sau bão, hoàn lưu tiếp tục gây mưa; thì khi này, những quả đồi, ngọn núi ngấm “no nước” sẵn sàng sạt xuống bất cứ lúc nào. Hậu quả thì không thể lường hết được.

Biết bao thảm họa sạt lở núi, lũ quét, lũ ống… ở vùng miền núi gây chết người, trôi nhà, vùi lấp tài sản… vẫn còn nhãn tiền, nóng hổi. Cũng thời điểm này, năm ngoái, trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại khu vực Nậm Cang, xã Liên Minh (Thị xã Sa Pa, Lào Cai) gây nên tổn thất nặng nề. Sau lũ, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã thống kê: lũ đã làm 4 người chết, 7 người bị thương, nhiều tài sản bị cuốn theo dòng nước..., với tổng thiệt hại hơn 260 tỷ đồng.

Bản làng Tà Cạ (Kỳ Sơn) xác xơ sau lũ quét và sạt lở núi năm 2022
Bản làng Tà Cạ (Kỳ Sơn) xác xơ sau lũ quét và sạt lở núi năm 2022

Còn ở Nghệ An, trận lũ quét ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) hồi cuối năm 2022, vẫn chưa thôi ám ảnh. Người chết, hàng chục nhà dân bản Thái ngập ngụa trong bùn đất, nhiều ha đất canh tác bị đá vùi lấp… Hàng nghìn người là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, công an, bội đội, các đoàn thể, đơn vị… đã chung tay cùng bà con vùng lũ Tà Cạ. Thảm họa ấy, khiến Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe đã thốt lên: Thiên tai đang làm cho huyện nghèo thêm. Thiệt hại của thiên tai vượt xa con số thu ngân sách mỗi năm của huyện nghèo.

Xa hơn, ở Trà Leng, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); Rào Trăng (Thừa Thiên Huế)… vào năm 2020 cũng là thảm họa thiên tai. Những quả đồi ngấm no nước đã sạt xuống, vùi lấp nhiều nhà dân, vùi lấp nhiều phận người Mnông khốn khổ miền sơn cước. Nhớ lại lời lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam hồi ấy mà vẫn nghẹn lòng: Chúng tôi đã huy động tất cả các phương tiện, máy móc có thể để tìm kiếm người dân bị nạn do sạt lở núi và lũ quét... nhưng quá khó khăn và dám chắc chắn điều gì.

Chúng tôi đã có mặt ở hầu hết những điểm sạt lở núi nguy hiểm ấy và nhận ra phận người quá đỗi mong manh trước sức tàn phá, trước sự nổi giận của thiên nhiên.

Hỏi chuyện, thì bất cứ địa phương nào cũng trả lời rằng: đã cảnh báo, tuyên truyền để người dân được biết về những điểm nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Phương án di dời dân đến điểm an toàn, cùng kế hoạch khắc phục theo “4 tại chỗ” đã được thông qua. Nhưng vì sao, hậu quả từ sạt lở núi, lũ ống, lũ quét vẫn rất nặng nề… và gần như là “bất khả kháng”.

Hiện trường sạt lở núi ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) năm 2020
Hiện trường sạt lở núi ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) năm 2020

Không ít lần “bám bản” tác nghiệp ở khu vực miền núi, chúng tôi nhận ra rằng, những quả đồi, khu rừng nguyên sinh dường như không xảy ra tình trạng sạt lở đất. Những điểm sạt lở, thường rơi vào những vị trí do bàn tay con người tác động. Con người đang ngày càng tác động quá nhiều vào thiên nhiên, đốn cây làm nhà, bạt núi làm đường, phá rừng làm rẫy… Phải chăng, hậu quả hôm nay con người nhận lấy từ sự cuồng nộ của thiên nhiên chính là do ta đang bạc đãi với núi rừng, đang trả giá cho những xâm phạm quá mức vào tự nhiên?

Và đằng sau những hậu quả đáng tiếc do sự sạt lở, lũ ống, lũ quét ấy, có cả sự chủ quan của rất nhiều người dân. Ấy là, khi mưa lũ, khi có sự khuyến cáo của cấp chính quyền, nhưng vẫn không di dời chỗ ở, hoặc di dời chậm trễ. Ấy là khi mưa lũ, vẫn bất cấp khuyến cáo của các cấp chính quyền, đi ra khỏi nhà, đi vào rừng…

Cùng với việc tôn trọng hơn vào thiên nhiên, trả lại cho núi rừng những mầm cây, những hành động ngăn ngừa chặt phá và đốt rừng; thì việc cảnh giác, chủ động, tuân theo những khuyến cáo của ngành chức năng mỗi khi có mưa bão, các điểm nguy cơ sạt lở núi và lũ ống, lũ quét… chính là đang góp thêm một hành động giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.