Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Mô hình bản người Mông tự quản

PV - 14:49, 05/07/2019

Được triển khai từ 31/10/2017, mô hình bản người Mông tự quản tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã trở thành một điển hình của đồng bào dân tộc Mông trong thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bà con thôn Khe Táu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống. Bà con thôn Khe Táu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống.

Phong Dụ Thượng là xã 135 của huyện Văn Yên (Yên Bái) địa hình rộng, chia cắt, trong đó có 3 thôn Khe Táu, Than Dẹt, Bản Lùng là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông với tổng 127 hộ dân, 778 nhân khẩu.

Anh Lù A Dờ, Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cho biết: Trước đây 3 thôn Khe Táu, Than Dẹt, Bản Lùng là những địa bàn khá phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng nghiện ma túy, trộm cắp, tảo hôn khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương bất ổn, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn và đói nghèo.

Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã kết hợp với đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản, Bí thư Chi bộ của 3 thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia triển khai mô hình bản người Mông tự quản nhằm giảm thiểu các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống kinh tế-xã hội cho người dân.

Khi mô hình được triển khai, dưới sự đồng thuận của bà con 3 thôn cùng xây dựng quy ước, hương ước và cụ thể hóa thành 5 nội dung “5 việc phải làm và 5 việc không làm”.

5 việc phải làm là: Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, giữ gìn an ninh trật tự, truyền thống tổ tiên; Phải đến trạm y tế khám bệnh khi ốm đau; tổ chức đám cưới tự nguyện khi nữ đủ 18 tuổi, nam 20 tuổi; Tổ chức đám tang tiết kiệm đưa người chết vào trong áo quan; duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông.

5 việc không làm là: Không vi phạm các tệ nạn xã hội; Không đốt phá rừng; không nghe lời kẻ xấu tuyên truyền trái pháp luật; không để người chết quá 2 ngày mới chôn; Không thách cưới.

Từ những quy ước đặt ra, sau 2 năm triển khai mô hình bản người Mông tự quản đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2017, bản người Mông còn hơn 40% tỷ lệ tảo hôn thì nay đã giảm chỉ còn gần 10%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 30% thì 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 1 trường hợp; tình trạng trộm cắp, nghiện ma túy không còn; các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang đã được xóa bỏ hoàn toàn; việc học tập của con cái cũng được các bậc phụ huynh quan tâm hơn.

Ông Lò Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cho biết: Việc triển khai mô hình bản người Mông tự quản đã mang lại chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đồng bào dân tộc Mông. Đến nay, 100% người Mông ở xã Phong Dụ Thượng đã thực hiện ăn Tết chung, việc tang lễ người chết đã được đưa vào quan tài, đảm bảo vệ sinh môi trường và được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Kết thúc năm 2018, bản người Mông đã có những cách làm hay trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, năm 2017 còn 68 hộ nghèo thì nay chỉ còn hơn 20 hộ; thu nhập bình quân của bản người Mông đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2017.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), ngày 17/5, Cụm thi đua số 4 - Bộ Công an tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên.