Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nghĩ từ làn sóng dịch Covid - 19 thứ 4

Thanh Nguyễn - 12:00, 14/05/2021

Nếu phải nói gì đó về đợt dịch Covid - 19 thứ 4 này, thì đó là tốc độ lây lan mạnh hơn, rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ như dài hơn, ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong mỗi ngày với sự xuất hiện của chủng vi rút biến thể kép. Thật đáng lo ngại khi lần đầu tiên trong suốt một năm rưỡi chống dịch của Việt Nam, 10 cơ sở y tế đã phải phong tỏa, cách ly; nhiều bệnh viện tuyến cuối đã bị “xuyên thủng”.

Nhân viên y tế tăng cường xét nghiệm, sàng lọc dịch bệnh Covid-19
Nhân viên y tế tăng cường xét nghiệm, sàng lọc dịch bệnh Covid-19

Diễn biến rất phức tạp

Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021, khi chúng ta phát hiện một bệnh nhân là nhân viên khách sạn tại Yên Bái - nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Rồi ca bệnh 2899 trở về từ Nhật Bản bị phát hiện dương tính ngày 29/4 sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày. 

Từ đây, dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng và kéo dài đến nay. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, đây là đợt lây lan rộng nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam. 

Đợt dịch lần này, tính đến ngày 12/5 vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, đã ghi nhận 610 ca nhiễm và đang diễn biến rất phức tạp. Đợt dịch thứ 4 hiện đang ghi nhận trên 25,6 ca bệnh/ngày - cao nhất trong cả 4 đợt dịch. Cả nước hiện đã xuất hiện 7 ổ dịch lớn.

Trong khi đó, đợt dịch đầu tiên kéo dài 85 ngày (từ 23/1/2020 – 16/4/2020) với 100 ca bệnh trong cộng đồng; đợt dịch thứ 2 kéo dài 129 ngày (từ 25/7/2020 – 1/12/2020) ghi nhận tới 554 ca bệnh ngoài cộng đồng; đợt dịch thứ 3 kéo dài 57 ngày (từ 28/1/2021 – 25/3/2021) ghi nhận tới 910 ca bệnh… Theo tính toán, trung bình đợt dịch thứ nhất ghi nhận bình quân 1,17 ca bệnh/ngày, đợt 2 là 15,28 ca/ngày, đợt 3 gần 16 ca/ngày.

Bệnh viện K ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ 7/5
Bệnh viện K ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ 7/5

Khác với 3 đợt dịch trước, phản ứng của các cơ quan chức năng trong đợt dịch thứ 4 này dường như bình tĩnh hơn. Có lẽ là vì đã trải qua nhiều đợt dịch với kinh nghiệm chống dịch nhuần nhuyễn hơn.

Sự bình tĩnh cần thiết sẽ giúp đưa ra những quyết sách sát đúng, hợp lí. Chỉ tính trong lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch là Bộ đội Biên phòng, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đã được tăng cường lên biên giới trong đợt dịch này, làm dày thêm thành lũy chống dịch nơi biên giới. Riêng khu vực biên giới Tây Nam, cứ 50m có một chốt phòng dịch. 

Còn trong ngành y tế, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. 

Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên. Công suất xét nghiệm của nước ta cũng đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020).

Không lơ là, chủ quan

Nhưng, vẫn còn đó những cá nhân chủ quan, phớt lờ khuyến cáo của ngành y tế khi không thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Đó là các hoạt động đưa người vượt biên trái phép và cư trú bất hợp pháp; không khai báo y tế rõ ràng, kịp thời khi đi từ vùng dịch, vùng nguy cơ cao trở về; không thực hiện nghiêm theo khuyến cáo 5K… Điều ấy đã góp phần khiến cho dịch bệnh phát tán, lây lan trong cộng đồng nhanh hơn, mạnh hơn.

Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương đã bị phong tỏa
Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương đã bị phong tỏa

Thực tế diễn biến của dịch Covid-19 khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Ở đợt dịch thứ 4 này, chủ yếu là các ca bệnh chỉ điểm đều bắt đầu từ khu cách ly hoặc những người đã hoàn thành thời hạn cách ly đủ 14 ngày. 

Thêm vào đó, nhiều ổ dịch lớn như bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), các ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương... đều chưa xác định được một cách chính xác nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, đợt dịch này cũng đã xuất hiện biến thể kép – B.1.617 bao gồm nguồn gốc chủng biến thể Anh và chủng biến thể Ấn Độ với tốc độ lây lan gấp nhiều lần.

Suốt một năm rưỡi chống dịch, lần đầu tiên đã có 10 cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly, truy vết chống dịch chỉ trong thời gian ngắn hơn 10 ngày. Thậm chí, có những cơ sở y tế tuyến cuối tưởng chừng như kiên cố nhất – bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện K cơ sở Tân Triều… - đều đã bị “xuyên thủng” bởi những sát nhân Covid-19.

Một bệnh viện hàng đầu cả nước về chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm - bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương – bị Covid-19 tấn công đã cho thấy rằng, không có gì là an toàn, không có gì là tuyệt đối nếu như các biện pháp chống dịch không được thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt.

Trước thực tế ấy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, để công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả thì phải tăng cường các biện pháp tích cực, chủ động, tăng cường các biện pháp về công nghệ, tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát, kiểm tra, tăng cường xử lý cụ thể, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vaccine.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được coi là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay với đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng. Dịch có được kiểm soát, khống chế? Tất cả tùy thuộc vào giải pháp, hành động nhanh nhạy, chính xác của các cấp chính quyền; nhưng quan trọng hơn, mà nếu thiếu thì công sức sẽ đổ sông đổ biển, đó là ý thức, thái độ của chính mỗi người dân.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.