Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người Bố Y với cuộc sống mới trên cao nguyên đá Hà Giang

Vũ Mừng - 08:50, 20/12/2024

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên cuộc sống của đồng bào dân tộc Bố Y tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đang ngày một đổi thay tích cực. Đặc biệt, đồng bào đã thay đổi tư duy, nhận thức, không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ mà đã chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Bố y thôn Nậm Lương - Điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm khi lên Cao nguyên đá
Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Bố y thôn Nậm Lương - Điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm khi lên Cao nguyên đá

Nói về điều kiện kinh tế của người Bố Y, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến-ông Nguyễn Việt Tiến cho biết: Toàn xã có 180 hộ, với 626 nhân khẩu sinh sống tại các thôn Nậm Lương, Tân Tiến, Lùng Thàng, Bó Lách... Trong đó, tập trung đông nhất tại thôn Nậm Lương, với 110 hộ và 321 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Bố Y tại địa phương tương đối ổn định, từ lao động sản xuất tự cung tự cấp, đến nay nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình. Nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt và trồng rau củ các loại. Nhìn vào tỷ lệ hộ nghèo toàn xã, có thể thấy đời sống đồng bào dân tộc Bố Y đã có những khởi sắc.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của người Bố Y ở Quyết Tiến càng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo của địa phương, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025, cán bộ và Nhân dân xã Quyết Tiến đã tiến hành xây dựng 2 tuyến đường bê tông dài 3km với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng tại thôn Nậm Lương; Hỗ trợ 07 hộ gia đình đồng bào dân tộc Bố Y xây dựng và sửa chữa nhà ở theo nguồn vốn của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, với tổng kinh phí hơn 240 triệu đồng; Mở lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa dân tộc Bố Y thông Nậm Lương, thôn Hoàng Lan...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương, cũng còn có những vướng mắc nhất định. Cụ thể, đồng bào dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ; là đối tượng thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Tiểu dự án 1 - Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, nhưng do Quyết Tiến là xã khu vực I, không thuộc địa bàn đầu tư của Tiểu dự án, cho nên, đồng bào dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến vẫn chưa được thụ hưởng nguồn lực đầu tư trực tiếp từ chính sách dành cho dân tộc có khó khăn đặc thù.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Tiến: Cùng với thay đổi về đời sống kinh tế, trình độ nhận thức, mặt bằng dân trí của người Bố Y có nhiều chuyển biến tích cực. Con em đồng bào Bố Y được Nhà nước quan tâm hỗ trợ học phí và nhiều chính sách ưu tiên khác. 

Hiện tại, trong cộng đồng dân tộc Bố Y tại địa phương có 01 thạc sĩ; 26 người có trình độ đại học, cao đẳng; 30 người có trình độ trung cấp. Số lượng người Bố Y tham gia công tác xã hội cũng đang dần tăng lên.

Trang phục nữ của đồng bào dân tộc Bố Y tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
Trang phục nữ của đồng bào dân tộc Bố Y tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Đặc biệt, xã Quyết Tiến cũng là một trong những địa phương của huyện Quản Bạ luôn quan tâm, chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là việc bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc Bố Y. 

Một người dân ở xã cho biết, dân tộc Bố Y thường mặc áo ngắn năm thân, xẻ nách phải. Viền cổ áo, ống tay áo được khâu hay thêu trang trí hoa văn sặc sỡ. Trang phục phụ nữ Bố Y đẹp và đặc sắc hơn trang phục nam giới, là nhờ chiếc khăn đội đầu, váy và tạp dề phía trước. Váy của phụ nữ Bố Y được dệt nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím, ghi và chàm…Thường trong những dịp quan trọng, đồng bào Bố Y đều mặc trang phục truyền thống. 

Nhờ chính sách hỗ trợ, hầu hết phụ nữ Bố Y đều biết dệt vải, tự may trang phục truyền thống. Mỗi bộ trang phục mất thời gian khoảng 10 ngày để hoàn thiện. Bên cạnh đó, ngay từ năm 2015, Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Bố Y cũng đã được xây dựng tại thôn Nậm Lương theo lối truyền thống của  đồng bào.

Trên hành trình thăm cao nguyên đá, du khách có thể dừng chân, khám phá và tìm hiểu hơn 60 hiện vật, hình ảnh về các đồ dùng sinh hoạt, văn hóa về đời sống, lao động sản xuất và tinh thần của dân tộc Bố Y. Từ đó, du khách có thể hiểu một cách khái quát về cuộc sống của người Bố Y nơi Công viên địa chất toàn cầu.

Chính quyền thôn Nậm Lương thăm hỏi động viên hộ gia đình ông Vương Khắc Sơn (áo đen) được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa nhà trong năm 2023 từ nguồn vốn của Chương trình MTQG
Chính quyền thôn Nậm Lương thăm hỏi động viên hộ gia đình ông Vương Khắc Sơn (áo đen) được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa nhà trong năm 2023 từ nguồn vốn của Chương trình MTQG

Có thể thấy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS trong thời gian gian qua, đã góp phần làm thay đổi tích cực đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Bố Y ở Quản Bạ, Hà Giang. Điều ấn tượng là, hiện nay đồng bào Bố Y không còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà rất chủ động vươn lên để xóa đói giảm nghèo, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Biểu dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Kiên Giang: Biểu dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Ngày 23/12, tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Kiên Giang năm 2024. Đến tham dự hội nghị có ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoà thượng Danh Đổng - Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang; các đại biểu đại diện cho các Sở, ban ngành, lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đặc biệt, sự có mặt của 81 đại biểu chính thức là những gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu nhất, đại diện cho 285 vị Người có uy tín của tỉnh tham hội nghị.