Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Những cuộc hồi hương… bất đắc dĩ

Thanh Hải - 11:27, 10/10/2021

Từng đoàn người rồng rắn vượt hàng ngàn km để hồi hương đã trở thành cuộc dịch chuyển dân cư với quy mô rất lớn. Nếu không có dịch bệnh và dịch bệnh không phức tạp thì hẳn là không có những cuộc trở về cố hương bất đắc dĩ ấy. Đằng sau những cuộc hồi hương là cả một câu chuyện dài, là rất nhiều vấn đề hóc búa cần phải suy ngẫm và giải quyết.

Dòng người ồ ạt hồi hương những ngày đầu tháng 10
Dòng người ồ ạt hồi hương những ngày đầu tháng 10

 Đợt phong tỏa kéo dài những 4 tháng, đã “vắt kiệt” sức lực, túi tiền, sự kiên nhẫn, đợi chờ… của hàng ngàn lao động tha hương mưu sinh. Trong vùng phong tỏa những 4 tháng, trong 4 bức tường phòng trọ chật chội, ngột ngạt, có khi đối mặt với thiếu đói, đã là nỗi “thống khổ” không gì đo đếm hết.

Thế là, từng dòng xe máy vượt quãng đường hàng ngàn km để hồi hương. Đây là một quyết định đầy khó khăn của bao người. Đánh đổi bao nguy hiểm trên chặng đường thiên lí, trên chiếc xe máy cà tàng, giữa đêm tối, giữa nắng mưa… để được trở về quê, cho thấy người lao động không có lựa chọn nào khác tốt hơn.

Người lao động đang cố gắng về quê “bằng được”. Và lý do, có lẽ là nỗi bất an lớn khi họ đang ở trong vùng tâm dịch, đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn. Trong khi đó, các giải pháp để họ bám trụ ở lại chưa thuyết phục, chưa thể lấn át nỗi bất an nếu không hồi hương. 

Những cuộc hồi hương cũng sẽ mở ra những cơ hội, thách thức để tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô. (Trong ảnh: Dòng người hồi hương chạy xe máy xuyên hầm Hải Vân trong đêm 6/10 - Ảnh VTCNews)
Dòng người hồi hương chạy xe máy xuyên hầm Hải Vân trong đêm 6/10 - Ảnh VTCNews)

Có lẽ, ngày cất bước mưu sinh nơi đất khách, không ai lại nghĩ có ngày, mình sẽ trở về quê hương bằng cách như hiện nay: chạy xe máy trên quãng đường hàng ngàn km, đối mặt với bao nguy hiểm, vất vả… Hàng ngàn người cưỡi xe máy, rồng rắn qua bao tỉnh, thành, ròng rã suốt mấy ngày đêm để hồi hương chính là cuộc trở về không ai mong muốn. Bất đắc dĩ mới phải tha hương mưu sinh, nhưng thật buồn là cũng bất đắc dĩ mới phải hồi hương né dịch.

Những ngày qua, bao chuyến hồi hương đã nhuốm đầy bụi đường, nhuốm đầy bất an, khó khăn, nguy hiểm trên hành trình thiên lý của những lao động nghèo. Trên hành trình nhọc nhằn trở về quê, đã có nhiều lao động hồi hương bị tai nạn bất trắc, ốm đau trên quãng đường gian khó, mệt nhọc…

Về quê thời điểm này không chỉ vừa an trú mà còn là “chia lửa” cùng tâm dịch với khu vực phía Nam. Trong những cuộc chia tay rời xa chốn mưu sinh để trở về quê giữa mùa dịch, có những người sẽ dừng luôn cuộc li hương mà chưa biết ngày nào trở lại. Giây phút chia xa chốn mưu sinh cũng đầy quyến luyến và buồn bã như ngày họ đã từng rời xa nơi chôn nhau cắt rốn vậy. Lẽ dĩ nhiên, đối mặt với những cuộc hồi hương ấy là áp lực về giải quyết việc làm, là chỗ ở, là an sinh xã hội và bao vấn đề nảy sinh khác của các cấp chính quyền.

Trước làn sóng hồi hương, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân về quê trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm, phối hợp nhịp nhàng, đưa đón khẩn trương… Từ chỉ đạo này, các địa phương đã vào cuộc, phối hợp tốt hơn trong phân loại, tiếp nhận, đưa đón người dân về, đi qua tỉnh thành bảo đảm an toàn, chu đáo.

Nói gì thì nói, khi hàng ngàn người hồi hương sẽ đặt ra vấn đề nan giải về thiếu hụt nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khi hoạt động trở lại. Đây là vùng trọng điểm kinh tế, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nếu thiếu hụt nhân lực lớn, thì rất khó để vận hành khi dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế. Nhưng giả sử, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, sẽ có bao nhiêu lao động quay trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để làm việc? Sẽ khó mà trả lời vấn đề ấy một cách thuyết phục ngay từ bây giờ.

Thực tế hiện nay, muốn người lao động ở lại để chờ thời hậu Covid-19, thì phải níu giữ họ bằng những ứng xử nhân văn, kịp thời hơn nữa; thay vì cứ ngăn cấm hoặc thuyết phục. 

Yếu tố quyết định để thu hút, giữ chân nguồn lao động chuẩn bị cho hậu Covid-19 nằm ở thái độ phản ứng, chế độ vận hành, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp và địa phương, chứ không phải ở đôi chân, ý thức của người lao động. Nếu không làm được điều này, thì một cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng  sẽ diễn ra thời hậu Covid-19.

Những cuộc trở về bất đắc dĩ
Những cuộc trở về bất đắc dĩ

Ở góc độ khác, xu hướng di cư, dịch chuyển lao động như những ngày qua, và ở thời điểm hiện tại đang là cơ hội để tái cấu trúc kinh tế vĩ mô. Bởi từ thực tế ấy, chúng ta sẽ phải nghĩ đến giải pháp để làm sao, vừa tiếp tục giữ vững sự phát triển kinh tế ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế lớn; vừa tiếp tục hỗ trợ các địa phương phân bố lại lao động hợp lý hơn.

Những cuộc hồi hương né dịch cũng có thể tạo thêm cơ hội để các địa phương bứt phá, khi họ đang có một nguồn nhân lực hồi hương hùng hậu. Các tỉnh xưa nay vốn “chảy máu” lao động, nay càng có điều kiện giữ chân, thu hút lao động mà chẳng cần đến bất cứ chiến dịch huy động nào. Và cuộc hồi hương cũng là cơ hội để giảm tải áp lực dân số cho thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất vốn đã quá ngưỡng chịu đựng về sự chật chội, ách tắc.

Biết đâu trong cái nguy khi dòng người hồi hương lại chẳng phải là cái may, là cơ hội tốt hay sao. Bởi đó chính là cơ hội không hề nhỏ để tái cấu trúc kinh tế, sắp xếp lại trật tự hạ tầng cơ sở. Vấn đề là các nhà quản lý cũng cần phải thay đổi tư duy cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.