Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những tiếng ru không thành lời…

Ngọc Thu - 08:13, 25/03/2023

Cơn gió chiều khô khốc, thổi từng hồi qua kẽ hở trong căn nhà sập sệ của Rmah H. ở làng Plei Kte Lớn A (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, Gia Lai) khiến không gian càng trở nên cám cảnh. Bế trên tay đứa con 2 tuổi, Rmah H. bộc bạch: Chúng em quen nhau qua Facebook, chỉ vài tuần nhắn tin đã yêu nhau say đắm rồi đồng ý kết hôn…

Các trường học tăng cường truyền thông phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh.
Các trường học tăng cường truyền thông phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh.

Rmah H sinh năm 2006, ở làng Plei Kte Lớn A, xã Ia Yeng. Từ năm lớp 6, Rmah H. đã bỏ học vì gia đình nghèo không đủ tiền đóng học phí. 13 tuổi, qua Facebook, Rmah H. tình cờ quen Kpă Kh. (sinh năm 2000 ở thị trấn Phú Thiện). Hai người thành vợ chồng. Lúc kết hôn, Rmah H. mới 13 tuổi.

Năm nay tròn 16 tuổi nhưng Rmah H. đã làm vợ được hơn 2 năm và là mẹ của đứa con 2 tuổi. Nhìn đứa bé còi cọc, xanh xao vì thiếu dinh dưỡng khóc ngặt nghèo trên tay Rmah H., những câu hát ru vụng về, nghẹn ngào khiến cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm.

Ở xã Ia Yeng này cũng như nhiều vùng đồng bào DTTS trên đất Gia Lai, khi gia đình không có đàn ông làm việc, thường thì gia đình sẽ đồng ý cho con lấy chồng sớm để phụ giúp công việc đồng áng mà không cấm cản gì…

Nơi miền biên viễn của các huyện Chư Prông, Ia Grai cũng có nhiều đôi trai gái “góp gạo thổi cơm chung” khi tuổi đời còn “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ở đây, nạn tảo hôn vẫn âm ỉ xảy ra. Hàng trăm trường hợp tảo hôn mỗi năm, nhiều trường hợp làm mẹ khi còn đang là học sinh THCS. Vấn nạn này đang gây ra nhiều hệ lụy tại địa phương.

Ở làng Bih, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, em Rơ Châm L. (12 tuổi) và chồng - Rơ Mah T. (14 tuổi) là một trường hợp điển hình như vậy. Do còn quá nhỏ, chưa thể ra ở riêng nên hai bạn trẻ này sống chung với bố mẹ vợ. Từ đây, bố mẹ cũng gánh thêm 2 miệng ăn nên cái nghèo cứ thế “bủa vây” tứ phía. Đến nay, Rơ Châm L. vẫn còn là đứa trẻ ngây thơ chưa biết gì.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 952 cặp tảo hôn, trong đó số trường hợp tảo hôn là đồng bào DTTS có 939 cặp. Tăng 72 cặp so với năm 2021. Tình trạng cưới vợ, gả chồng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật vẫn còn xảy ra và cao hơn năm 2021, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy giảm giống nòi...

Nhiều em học sinh đã phải từ bỏ ước mơ, lỡ dở tương lai của mình vì sinh con ở tuổi 14, 15.
Nhiều em học sinh đã phải từ bỏ ước mơ, lỡ dở tương lai của mình vì sinh con ở tuổi 14, 15.

Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh Gia Lai gia tăng trong thời gian qua, một phần là do nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế về cả pháp luật và những hệ luỵ từ vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh đó là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn và gia đình của ngành chức năng chưa thường xuyên, sâu rộng. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn thiếu kiên quyết và chưa đủ tính răn đe…

Già Ksor Thuyn, Trưởng thôn PleiChrung, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện chia sẻ: Nhiều năm qua, chúng tôi đã tích cực thực hiện nhiều chương trình để tuyên truyền những lớp trẻ và đông đảo người dân trong vùng về hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy số lượng giảm nhưng vẫn có hướng tăng lên khi cuộc sống càng hiện đại, mạng xã hội càng nhiều nên dễ dẫn đến các lớp trẻ tìm đến nhau khi tuổi đời còn quá trẻ..

Cũng bởi vậy, những cuộc “hôn nhân trẻ con” vẫn âm thầm diễn ra, để lại nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội, khiến cho những lời ru của những đứa trẻ làm mẹ càng thêm nghẹn lời, day dứt, xót xa...