Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân và hồi ức không quên

Tào Đạt - 3 giờ trước

Năm nào cũng vậy, đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), bà Chính Nghĩa - nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, lại tìm về những địa danh, con đường từng in dấu chân của bà và đồng đội đã chiến đấu để giành lấy hòa bình cho Tổ quốc.

Bà Chính Nghĩa vẫn còn nhớ như in hình ảnh đồng đội ngã xuống ngay trước mắt
Bà Chính Nghĩa vẫn còn nhớ như in hình ảnh đồng đội ngã xuống ngay trước mắt

“Tôi nhớ mãi hình ảnh đồng đội ngã xuống trong mưa đạn”

Bà Chính Nghĩa (tên thật Vũ Minh Nghĩa) sinh năm 1947, lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng "đất thép" Củ Chi. Bà là nữ chiến sĩ duy nhất trực tiếp chiến đấu trong trận tiến công vào Dinh Độc Lập hồi Tết Mậu Thân 1968.

Có dịp gặp người phụ nữ ấy trong một dịp đặc biệt, bà bồi hồi kể cho chúng tôi nghe nhiều điều về cuộc kháng chiến vĩ đại mà bà và động đội đã trải qua.

Bà Chính Nghĩa kể, năm 1960 - lúc đó 13 tuổi, nhận nhiệm vụ chuyển lương thực, cơm nước cho các cán bộ hoạt động bí mật trong xã. 

Tới năm 16 tuổi, bà Nghĩa làm giao liên, vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa đón cán bộ giữa các cơ sở nội thành Sài Gòn. Mỗi lần đi là một lần đối diện cái chết, thế nhưng bà Chính Nghĩa chưa bao giờ chùn bước.

Dịp Tết Mậu Thân năm 1968, bà Nghĩa được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia trận đánh Dinh Độc Lập - đầu não chính quyền Sài Gòn. Trong trận đánh này, bà là nữ chiến sĩ biết động duy nhất được tham gia.

Đêm mùng Một Tết Mậu Thân, bà cùng 14 đồng đội chiến sĩ biệt động - vượt qua hàng rào phòng vệ, tiến sát Dinh Độc Lập. Vào trận đánh, bà chỉ mang một khẩu K54, một quả lựu đạn, bà vừa chiến đấu, vừa làm cứu thương.

Bà Chính Nghĩa khi tròn 18 tuổi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bà Chính Nghĩa khi tròn 18 tuổi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo kế hoạch, sau khoảng 30 phút nổ súng, lực lượng chi viện sẽ đến. Nhưng rồi không ai tới, các chiến sĩ phải đơn độc cầm cự, bảo vệ nhau trong suốt nhiều giờ đồng hồ. 

Rạng sáng mùng 2 Tết, tình thế trở nên nguy hiểm khi địch phản kích dữ dội. Bà Nghĩa cùng đồng đội buộc phải rút vào một cao ốc đối diện Dinh, tiếp tục chiến đấu trong tình trạng thiếu đạn dược, phải dùng cả gạch đá, vũ khí thô sơ để chống trả.

 "Bị địch phát hiện và bắn xối xả, chúng tôi quyết tâm chiến đấu tới cùng dẫu biết rằng đây là cuộc chiến không cân sức", bà Nghĩa nhớ lại.

Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng khi kể lại, giọng bà vẫn không nén được cảm xúc bởi đến tận bây giờ bà vẫn khắc sâu hình ảnh kiên cường, bất khuất của những đông đội anh hùng trước lúc hy sinh.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh đồng đội ngã xuống ngay trước mặt trong mưa đạn, 8 người đã hy sinh, tôi và 6 người còn lại đều bị thương và bị bắt giam”, bà Nghĩa kể trong sự xúc động.

Trong trận chiến này, thủ trưởng Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh) bị thương nặng, hy sinh trong vòng tay bà Chính Nghĩa. Khoảnh khắc ấy đi theo suốt cuộc đời bà.

"Trước khi ra đi, anh Ba Thanh nói tôi hãy dành cuộn băng còn lại cuối cùng cho các đồng đội khác, bởi anh biết anh sẽ không qua khỏi. Anh Ba Thanh dặn dò chúng tôi phải bám trận địa, không được rút lui. Lời trăn trối đó cũng chính là mệnh lệnh", bà Nghĩa xúc động kể lại khi giọt nước mắt khẽ rơi.

Bà Chính Nghĩa (trái) chụp cùng đồng đội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bà Chính Nghĩa (trái) chụp cùng đồng đội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chiến đấu qua song sắt của địch

Bị địch bắt và giam giữ sau trận đánh vào Dinh Độc Lập dịp Tết Mậu Thân, bà Nghĩa, khi đó 21 tuổi, đã trải qua biết bao trận tra tấn dã man ở Tổng nha Cảnh sát, nhà tù Thủ Đức, khám Chí Hòa... và bị đày ra Côn Đảo. Dù chịu cực hình, bà vẫn xác định có chết cũng không hé lộ nửa lời, tuyệt đối trung thành với đất nước.

"Tôi luôn khắc một điều rằng, tôi được lớn lên bởi sự bao bọc, nuôi dưỡng của Nhân dân. Do đó, dù tôi có phải chết, tôi cũng quyết không hé một lời nào để gây tổn thất cho cách mạng", bà Nghĩa bộc bạch.

Khi hiệp định Paris ký kết vào năm 1974, bà Nghĩa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) trong tình trạng bị thương nặng ở chân, đi lại khó khăn cần người hỗ trợ. Sau khi chữa trị, bà tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, với vị trí là chiến sĩ thuộc Phòng tình báo Miền.

Nữ chiến sĩ Biệt động Chính Nghĩa (ở giữa) cùng các bạn tù chính trị nữ trong đợt trao trả tù binh cách mạng tại Lộc Ninh tháng 4/1974. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nữ chiến sĩ Biệt động Chính Nghĩa (ở giữa) cùng các bạn tù chính trị nữ trong đợt trao trả tù binh cách mạng tại Lộc Ninh tháng 4/1974. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)


Nếu không có hòa bình, làm gì có tương lai cho dân tộc, cho mỗi người và cả cho chính tôi. Cả đời này, tôi luôn mang ơn những đồng đội đã ngã xuống, để mình còn sống, để đất nước trường tồn.
Chính Nghĩa
Nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968

Đầu năm 1975, trước thềm Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của bà được lệnh hành quân từ căn cứ Bình Mỹ (Củ Chi) tiến về Sài Gòn để "đón lõng" tình hình. 

Trong chiến dịch này, bà Nghĩa cho rằng mình là người may mắn khi được tiếp tục là nữ chiến sĩ duy nhất trong đội nhận lệnh tham gia đánh Dinh Độc Lập.

“Chúng tôi hành quân âm thầm, vừa nắm lại tình hình cơ sở, vừa giữ tư thế sẵn sàng cho ngày quan trọng”, bà Nghĩa tâm sự.

Từ ngày 27 - 28/4/1975, tin vui từ chiến tuyến truyền về, các cánh quân chủ lực áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Đêm 29/4, đơn vị bà hành quân gấp rút, phối hợp cùng các lực lượng trong nội đô, chuẩn bị cho trận đánh lịch sử.

Sáng 30/4/1975, trong đội hình bộ binh và xe tăng hùng hậu, bà cùng các đồng đội tiến vào trung tâm Sài Gòn. Khi đang trên đường hành quân thì nhận tin chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đứng lặng người giữa biển người reo hò. Cảm giác không thể tả bằng lời. Mình sống rồi, đất nước cũng sống lại. Cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) tung bay khắp nơi. Dân đổ ra hai bên đường, reo hò, vẫy tay chào đón bộ đội. Có người rơi nước mắt, có người hét lớn: Giải phóng rồi!”, bà Nghĩa bộc bạch.

Ở tuổi 78, hai chữ “chiến tranh” vẫn còn đeo bám khiến bà Nghĩa nhói đau mỗi lần nhắc đến. (Ảnh: Tào Đạt)
Ở tuổi 78, hai chữ “chiến tranh” vẫn còn đeo bám khiến bà Nghĩa nhói đau mỗi lần nhắc đến. (Ảnh: Tào Đạt)

Gần bước sang tuổi 80, ký ức của bà Chính Nghĩa không chỉ là niềm tự hào khi được chứng kiến những bước tiến vượt bậc của đất nước, của dân tộc, mà còn là nỗi nhớ về những đồng đội đã không kịp nhìn thấy ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng.

"Cho đến hôm nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn thấy mình may mắn vì còn được sống, chứng kiến sự đổi thay của đất nước trong hòa bình, được nhớ về đồng đội và được kể cho thế hệ đi sau biết về khoảng thời gian ấy. Tôi hiểu rõ cái giá phải trả cho độc lập, tự do, hòa bình. Nếu không có hòa bình, làm gì có tương lai cho dân tộc, cho mỗi người và cả cho chính tôi. Cả đời này, tôi luôn mang ơn những đồng đội đã ngã xuống, để mình còn sống, để đất nước trường tồn", bà Nghĩa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thủ tướng: Quảng Trị cần phát huy khác biệt “không nơi nào có được” để thoát nghèo, làm giàu

Thủ tướng: Quảng Trị cần phát huy khác biệt “không nơi nào có được” để thoát nghèo, làm giàu

Sáng 27/7, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện, động lực cho Quảng Trị phát triển bứt phá.