Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Ông mụ mát tay ở bản Nắc Con

PV - 10:06, 03/01/2019

Tôi biết về y tá Điệm qua cuộc trò chuyện cùng chị Đặng Thị Bính (người cùng ở bản Nắc Con). Chị Bính hào hứng kể về những cuộc vượt cạn của nhiều sản phụ trong bản là nhờ có sự trợ giúp của ông mụ mát tay Lý Văn Điệm. Và rồi trong căn nhà sàn nhỏ ven sườn đồi, tôi được gặp gỡ trò chuyện cùng ông. Ông say sưa kể về chuyện làng, chuyện bản và cả hành trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu của người Dao thôn 2 Nắc Con, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Thay đổi tập quán lạc hậu

Cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng, thôn 2 Nắc Con nằm nép mình dưới những đồi núi điệp trùng. Những năm 80 của thế kỷ trước, bản có 30 hộ dân người Dao sinh sống với những phong tục tập quán khá lạc hậu. 17 tuổi, Lý Văn Điệm được cử đi học lớp y tá thôn bản. Từ những năm tháng đó ông trở thành một cán bộ trọn lòng với dân bản Nắc Con.

Từ lâu, người Dao ở Nắc Con tồn tại quan niệm sinh đẻ tuân theo quy luật tự nhiên-tức là đẻ tại nhà. Và khi sản phụ chuyển dạ, người thân bên cạnh trở thành những bà đỡ bất đắc dĩ. Hơn nữa, đường núi đi lại khó khăn, để đi từ thôn đến trạm y tế xã cũng mất cả một ngày đường. Bởi vậy, nhiều sản phụ ốm khi sinh nở, thai nghén, hậu sản… là chuyện chẳng hiếm gì.

Lý Văn Điệm Ông Lý Văn Điệm tuyên truyền về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân thôn 2 Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên).

Y tá Điệm thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai ông chỉ bảo tận tình về chế độ dinh dưỡng, tâm lý chuẩn bị trước sinh…Thời gian đầu quan niệm sinh nở là chuyện kín đáo, dơ dáy nếu có người đàn ông xuất hiện là điều kiêng kỵ khiến ông tiếp cận công việc hết sức khó khăn. Dần dà, bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm công việc y tá Điệm nhanh chóng chiếm được cảm tình bà con dân bản.

Ông kể, ngày đó, bà con vốn nghèo lại ít học nên chưa biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, nhiều chị em chẳng dự đoán được khoảng ngày sinh. Vì thế có những chị đang đi làm trên nương thì phải vội về vì có dấu hiệu chuyển dạ. Y tá Điệm lại tức tốc đến hỗ trợ, hướng dẫn sản phụ qua cơn vượt cạn. Vậy là, lần lượt biết bao ca sinh nở ở thôn 2 Nắc Con đều do một tay y tá Điệm đỡ đẻ.

Dẫu trời nắng, mưa hay đêm hôm khuya khoắt, nhận được tin là ông lại có mặt ngay để cứu người. Có nhiều ca khó nhau cài răng lược, tử cung không dãn nở tốt, hoặc các cháu ít tuổi quá, tiên lượng khó là ông gọi thanh niên làm cáng gùi lên tuyến trên. Nhưng cũng lắm lúc, không còn cách nào khác ông trở thành ông mụ mát tay đỡ nhiều em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh...

Ông nhớ lại, có sản phụ Bàn Thị Lượng, 35 tuổi chuyển dạ từ sáng nhưng mãi đến chiều người nhà mới đến báo. Khi đến thì cái chân tím ngắt của đứa trẻ thò ra. Ông xác định, thai ngôi ngược, không thể sinh tại nhà nhưng đường quá xa, lại dằn xóc, thai phụ đã kiệt sức, hô hấp kém. Ông vận dụng kinh nghiệm để giúp sản phụ bình tĩnh qua cơn vượt cạn. Một giờ sau, đứa trẻ chào đời, toàn thân tím tái, mắt nhắm nghiền, hô hấp yếu ớt. Không kịp lau người bé, ông kê miệng hô hấp nhân tạo. Cuối cùng, đứa trẻ thở hắt ra một hơi như sặc, bật lên tiếng khóc. Người nhà sản phụ reo mừng, ai nấy đều nắm chặt tay ông rối rít cảm ơn.

Bán thóc chữa bệnh cho dân bản

Khi y tế chưa về đến thôn bản như bây giờ, mỗi khi ốm đau, bà con người Dao vẫn thường nghĩ rằng mình bị ma bắt. Họ phải cúng ma, phải mời thầy mo đến đuổi con ma đi thì mới khỏi bệnh được.

Có dạo, dịch bệnh sốt rét hoành hành, cứ vài ba ngày lại có người mắc bệnh nhưng không ai chịu đến Trạm Y tế xã điều trị. Họ mời thầy mo đến làm lễ cúng, dùng bùa ngải ra phép để trị bệnh. Ông Điệm cùng cán bộ Trạm Y tế xã ngày đêm bám bản, phát thuốc tuyên truyền giải thích. Thế nhưng, nhiều người tuyên bố “bị đau ốm là do con ma rừng, ma núi nó trừng phạt, vì vậy phải làm lễ cúng thì ma mới buông tha”.

Không nản chí, ông Điệm thuyết phục bằng cách xin trực tiếp chữa bệnh cho ông Đặng Văn Bụ bị sốt rét đến vàng da, rụng tóc. Một thời gian dài mời hết thầy mo này đến thầy mo khác về cúng, bệnh tình càng nặng thêm. Nhưng chỉ sau hơn 1 tuần nhờ tay y tá Điệm điều trị, ông Bụ đã dần khỏi bệnh.

Lý Văn Điệm Y tá Lý Văn Điệm khám bệnh cho bệnh nhân tại thôn 2 Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên).

Dịch sốt rét qua, bệnh lao xuất hiện. Lần này, thầy cúng phán rằng: “Do lần trước dân bản cúng không đến nơi đến chốn nên giờ bị ma rừng trách tội”. Ông Bàn Kim Lượng bị khó thở, tức ngực, ho ra máu, 3 ngày làm lễ cúng nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thầy bói quả quyết, ông bị ma trách tội nên phải rời khỏi làng. Bị vợ con, làng xóm xua đuổi, một mình bơ vơ. Biết tin, ông tìm gặp và đưa ông Lượng về nhà để điều trị. Sau 3 tháng, sức khỏe ông Lượng hồi phục, gặp lại người nhà ông mừng tủi không nói nên lời. Bà vợ nắm chặt tay ông Điệm bảo: “Chồng tôi sống lại là nhờ ơn y tá Điệm. Từ nay thấy đau trong người là đi khám ngay không cúng bái nữa đâu”.

Từ đây, dân bản mới bắt đầu tin lời y tá Điệm. Hễ có bệnh tình họ mang người nhà đến điều trị, có thời điểm dịch bệnh hoành hành thuốc Trạm Y tế cung cấp không xuể! Ngó nghiêng quanh nhà không còn gì đáng giá, ông Điệm liều ra chợ huyện mua chịu thuốc hẹn vụ mùa tới mang thóc ra gán nợ. Để kịp thời có thuốc trị bệnh cho dân bản, ông chấp nhận thiệt thòi cho gia đình ăn những bữa cơm độn khoai, sắn.

Cảm động tấm lòng của ông, khi lành bệnh, bà con đến cảm ơn rối rít, cho nhiều gà vịt nhưng ông nhất mực từ chối vì cứu giúp người bệnh là trách nhiệm của lương y... “Bà con còn khó khăn, còn gà vịt thì hãy để bồi dưỡng cho người bệnh chóng khỏe”- ông trìu mến nói với bà con như thế.

Giờ đây, sức khỏe có chút giảm sút nhưng y tá Điệm vẫn lặng lẽ đến với người dân chuyện trò, hướng dẫn kiến thức bổ ích. Hành trình vượt hủ tục của thôn 2 Nắc Con trải qua nhiều gian nan vất vả để giờ đây đã có “quả ngọt”. Thôn hiện có 90% số trẻ em được tiêm phòng; các loại dịch như sốt rét, tiêu chảy, kiết lỵ… được đẩy lùi. Bà con biết ăn ở hợp vệ sinh, nhà tiêu, chuồng gia súc xây dựng xa nhà. 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đều được hỗ trợ và tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản….

Ông Điệm luôn là chỗ dựa vững chắc của bà con nơi đây. Liên tục mấy năm liền ông là Người có uy tín của bản làng. Năm 2016, ông vinh dự được dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc, tổ chức tại Việt Trì (Phú Thọ).

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.