Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, hiện nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng, NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm). Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, cả nước đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo…
Ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Có thể nói Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015–2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Điểm ra những nguyên nhân của sự thành công, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, trong đó có việc vốn của địa phương ủy thác qua NHCSXH còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn… Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua NHCSXH trên 100 tỷ đồng. Vì vậy, Phó Thủ tướng kêu gọi: “Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHCSXH chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch. Phấn đấu năm 2020 và giai đoạn 2021–2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHCSXH tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động "Vì người nghèo" để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội…