Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

PV - 16:25, 19/03/2019

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết, với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào nông nghiệp. Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào nông nghiệp.

Tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mấy năm trở lại đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: chanh leo, dâu tây, rau, củ, quả các loại... Hình thức sản xuất theo truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã được thay thế bằng sản xuất quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu tập trung, chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng, ổn định đầu vào và có tính đến đầu ra cho sản phẩm.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Xếp, có hơn 6 nghìn m2 đất nông nghiệp, trước kia gia đình chị chủ yếu trồng su su. Cùng với các mặt hàng nông sản khác, khi thu hoạch bán cho thương lái với giá bấp bênh, không ổn định. Năm 2016, được sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cung ứng giống, vật tư của Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc, gia đình chị chuyển đổi sang trồng chanh leo tím.

Chị Xếp cho biết, từ khi chuyển sang trồng chanh leo, lại được doanh nghiệp đảm bảo thu mua, chị đã không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi năm vườn chanh leo cho gia đình chị thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cái lợi rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân sản xuất tập trung nên thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Người nông dân tham gia mô hình liên kết được cung cấp giống, tập huấn khoa học-kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Như vậy có thể thấy, mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết tại Mộc Châu mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững trong tương lai, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Giá trị sản xuất nông nghiệp sau khi liên kết tăng từ 20-25%. Giá trị sản xuất nông nghiệp sau khi liên kết tăng từ 20-25%.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sơn La, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, Tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và giá trị sản lượng tăng 20-25%. Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản…

Theo ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cho biết, hiện tỉnh có 51 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 280 nghìn tấn/năm (bao gồm 9 nghìn ha xoài, hơn 11 nghìn ha nhãn, 1,5 nghìn ha chanh leo, 13 nghìn ha cà phê, 4,3 nghìn ha chè...). Chỉ trong vòng 2 năm vừa qua, mỗi năm Sơn La trồng mới 11 nghìn ha cây ăn quả.

Để thu hút sự đầu tư, đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã rà soát, ban hành các chính sách, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng. Đồng thời có chiến lược quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp cho các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hơn nữa.

Ngoài ra, Sơn La còn tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học hướng dẫn người dân đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, giúp các hộ xã viên ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh việc hai bên phá vỡ hợp đồng và cam kết cung ứng, tiêu thụ trong sản xuất. Giám sát chặt chẽ chất lượng thị trường vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.