Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng DTTS, miền núi: Động lực từ chính sách

PV - 10:12, 10/05/2019

Thời gian gần đây, “khởi sự doanh nghiệp” đang là cụm từ được nhắc đến nhiều ở các diễn đàn chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, để doanh nghiệp khởi sự được-nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực miền núi, thì vẫn cần một sự trợ sức kịp thời từ chính sách.

Nhỏ về quy mô, ít về số lượng

Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình hoạt động của doanh nghiệp ở địa bàn vùng DTTS và miền núi đã có những dấu hiệu khả quan. Nhưng nhìn chung, quy mô các doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn này vẫn ở mức độ vừa và nhỏ.

Đầu tư ở vùng DTTS và miền núi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh minh họa) Đầu tư ở vùng DTTS và miền núi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước có 28.451 doanh nghiệp thành lập mới (nhưng có đến 25.369 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng, tức là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ-Pv).

Riêng tại khu vực Tây Nguyên chỉ có 753 doanh nghiệp thành lập mới. Đáng chú ý là khu vực trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất trong cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, với 1.074 doanh nghiệp thành lập mới.

Không chỉ ít về số lượng, doanh nghiệp thành lập mới ở địa bàn DTTS và miền núi cũng hạn chế về quy mô vốn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập là 375.499 tỷ đồng. Khu vực Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước với 217.084 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng số vốn đăng ký của cả nước; đứng thứ hai là khu vực Đồng bằng sông Hồng với 85.729 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng số vốn đăng ký của cả nước.

Còn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là hai khu vực có tổng số vốn đăng ký ít nhất, lần lượt là 9.362 tỷ đồng (chiếm 2,0%) và 10.435 tỷ đồng (chiếm 2,8%) tổng số vốn đăng ký. Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực duy nhất trên cả nước có tỷ lệ vốn đăng ký giảm sâu so với cùng kỳ 2018, giảm tới 46,9%.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới không nhiều, quy mô vốn nhỏ nên mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động của các doanh nghiệp ở địa bàn vùng DTTS và miền núi rất thấp. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 317.631 lao động. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lao động đăng ký nhiều nhất, với 91.080 lao động, chiếm 28,7% tổng số lao động đăng ký.

Còn Tây Nguyên là khu vực có số lao động đăng ký thấp nhất so với các khu vực còn lại, với 4.651 lao động, chiếm 1,5% tổng số lao động đăng ký. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 6,2 lao động/doanh nghiệp.

Động lực từ chính sách

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 14.127 doanh nghiệp (trong đó có trên 92% là doanh có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng) tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam bộ. Còn khu vực trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 543 doanh nghiệp, khu vực Tây Nguyên chỉ có 265 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Tại sao có sự ổn định này? Theo các nhà chuyên môn, hoạt động của doanh nghiệp ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS hoạt động có phần ổn định là nhờ sự trợ sức kịp thời từ những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp thành lập mới là đối tượng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt, nhất là các chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất hoặc bảo lãnh từ phía Nhà nước.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, chính sách hỗ trợ chỉ mang tính chất tạo ra động lực, khích lệ chứ không phải là việc “hà hơi tiếp sức và nuôi dưỡng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, đã có không ít doanh nghiệp thành lập chỉ với mục đích thụ hưởng chính sách. Khi hết thời hạn ưu đãi thì doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển sang một mô hình mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi. Những doanh nghiệp kiểu này rất khó phát triển vì thiếu ý tưởng, không sẵn sàng tiếp nhận cơ hội…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với doanh nghiệp mới thành lập, nếu xem các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước như là “vốn mồi” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thì để thành công, doanh nghiệp đó phải thực sự phát huy được khả năng làm chủ của chính bản thân mình. Đó là sự tự tin, sáng tạo, linh hoạt trong liên kết và học hỏi lẫn nhau để có các bước đi phù hợp trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Có như vậy, đóng góp của hệ thống doanh nghiệp mới thực sự là động lực phát triển cho nền kinh tế.

SỸ HÀO