Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, NN&PTNT và Văn phòng Chính phủ.
Tại Cà Mau, đoàn đã đến khảo sát tại cảng cá Sông Đốc, bến cá tư nhân, công trình cầu Sông Đốc, kè chống sạt lở cửa biển; làm việc với Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh cà Mau) và gặp gỡ bà con ngư dân tại huyện Trần Văn Thời.
Chuyến khảo sát được thực hiện trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Sau chuyến khảo sát tại Cà Mau (sáng 26/6) và Kiên Giang (chiều 26/6), Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với các tỉnh Tây Nam Bộ tại TP. Cần Thơ về công tác phòng chống buôn lậu, phòng chống ma túy và chống khai thác IUU và chiều 28/6 tới.
100% tàu cá trên 15 m được láp đặt thiết bị giám sát hành trình
Báo cáo với Phó Thủ tướng trong chuyến khảo sát, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh có 4.148 tàu cá, trong đó có 1.515 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định, đạt tỉ lệ 100%.
Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm khoảng 230.000 tấn; có 5 cảng cá do Nhà nước đầu tư, quản lý và đang hoạt động, trong đó có 2 cảng cá loại II (Sông Đốc và Rạch Gốc) được Bộ NN&PTNT công bố thuộc danh sách cảng cá chỉ định phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản và tàu từ 15 m trở lên cập, rời cảng theo quy định.
Tỉ lệ cập nhật dữ liệu tàu cá vào phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá đạt 100%; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng và Văn phòng IUU đặt tại 2 cảng cá chỉ định (Sông Đốc và Rạch Gốc); theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá.
Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm
Tình hình tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2022, tỉnh có 7 tàu cá/50 thuyền viên khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà mau tiếp nhận thông tin 3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Lực lượng chức năng Cà Mau đã phát hiện, xử phạt 262 vụ vi phạm về khai thác thủy sản, với số tiền hơn 9 tỷ đồng (vi phạm về khai thác IUU 147 vụ/7,306 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh đang điều tra, xử lý một số trường hợp tàu cá che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình.
Cà Mau tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tàu cá
Tỉnh tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh thông qua 2 phần mềm là quản lý liên thông kiểm soát tàu cá và ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets.
Phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá để bảo đảm khi tàu cá ra, vào cửa biển phải có sự kiểm soát của cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng. Phần mềm này sẽ liên thông tất cả cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá, thống kê, báo cáo.
Ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets để các địa phương báo cáo, lưu trữ thông tin các tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên, tàu cá nằm bờ… Qua đó tạo được cơ sở dữ liệu để Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, huyện kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế trong công tác IUU.
Nhiều kiến nghị với Bộ NN&PTNT
Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, việc sang bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền, nhất là sang bán ra ngoài tỉnh, dẫn đến công tác quản lý, điều tra, xác minh đối với các hành vi vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, ban hành quy định thời gian cụ thể về thực hiện trách nhiệm, thủ tục dân sự trong mua bán tàu cá, chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.
Do một số tính năng trên Hệ thống giám sát tàu cá chưa hoàn thiện, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo rà soát, bổ sung để thuận lợi trong quá trình theo dõi, khai thác xử lý dữ liệu.
Trước tình trạng chủ tàu, chủ thể vi phạm cố tình không đưa tàu cá vào bờ khi tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển từ 10 ngày trở lên (theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP), nhưng không có chế tài đủ mạnh để xử lý tiếp theo (chủ tàu đồng ý hình thức xử phạt tăng nặng nhưng vẫn không đưa tàu vào bờ để khắc phục việc mất kết nối), tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn địa phương xử lý trường hợp này.
Đối với cơ sở hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, nâng cấp tương xứng với nhu cầu thực tế; quy mô và số lượng cảng cá chỉ định chưa đáp ứng được nhu cầu cập, rời cảng để bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cấp có thẩm quyền hỗ trợ khoảng 749 tỷ đồng để tỉnh đầu tư cảng cá phía bờ nam Sông Đốc, góp phần khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Mặc dù 2 phần mềm nêu trên đã hỗ trợ khá tốt các cơ quan chức năng của tỉnh trong chống khai thác IUU nhưng do đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn thiếu nhiều tính năng, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ hoàn thiện phần mềm, để nhân rộng việc áp dụng.
Do công tác xác minh, chứng minh để xử lý, xử phạt tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn, do không có văn bản hoặc bản án chính thức từ nước bắt giữ, Cà Mau kiến nghị Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan chức năng của các nước có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng cứ để làm cơ sở cho lực lượng chức năng củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ công tác chống khai thác IUU, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND tỉnh Cà Mau thực hiện quy trình trình HĐND tỉnh phê duyệt Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án song song với thời gian trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, nhằm tranh thủ thời gian thực hiện các bước tiếp theo, để kịp tiến độ thực hiện ký Hiệp định với AFD trước ngày 31/12/2023.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn để tỉnh Cà Mau thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, khoảng 89 km, dự kiến kinh phí khoảng 3.414 tỷ đồng…
Qua nghe báo cáo và thực tiễn khảo sát tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng IUU, đạt được những kết quả rất tích cực.
Cà Mau có tiềm năng thủy sản rất lớn, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm hơn 1/4 cả nước, chủ yếu xuất sang thị trường EU, vì thế tỉnh càng cần nỗ lực hơn trong bảo vệ và khai thác thủy sản bền vững bởi nếu không gỡ được thẻ vàng Cà Mau sẽ là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất của tỉnh Cà Mau cần có cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng cảng cá trên nguyên tắc Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi khi mà nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Bộ NN&PTNT và tỉnh Cà Mau về sự cần thiết phải tăng cường thông tin về những việc làm được, những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong chống khai thác bất hợp pháp.
Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thẩm quyền được giao còn hạn chế, nhất là trong công tác xử phạt, đồng thời trang thiết bị được trang bị chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn của bà con ngư dân khi tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất còn cao, hơn 10%/năm; cho biết thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay và Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần ban hành quyết định giảm lãi suất.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Cà Mau cũng như của các địa phương ven biển khác để có kế hoạch tổng thể xử lý, tháo gỡ./.