Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 16 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24.53% thôn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi của cả nước. Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719 gặp không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của chương trình. Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS đến năm 2024 ước giảm bình quân 5,2%/năm. Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 đến thời điểm này của 16 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt 60,6%, trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 74,3% và vốn sự nghiệp đã giải ngân được 44,5%.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: Hội nghị đánh giá kết quả cụ thể trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; trong đó chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc trong thực tiễn triển khai; đánh giá kết quả giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình và cam kết tỷ lệ giải ngân năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Về đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị thông qua Hội nghị, cần xây dựng đề xuất các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình; dự kiến về cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của Chương trình; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình…
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên mặc dù có tỷ lệ giải ngân chung cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các dự án có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó cũng có những dự án giải ngân rất thấp, điển hình là Dự án 3 có tỷ lệ giải ngân thấp nhất với 29%. Tương tự, Dự án 9 có tỷ lệ giải ngân tương đối thấp với hơn 32%.
Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào những chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi như phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu của người dân do cơ chế còn nhiều vướng mắc. Nguồn thu nhập của người đồng bào DTTS chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao.
Trước những khó khăn trên, ông Quế thay mặt tỉnh Gia Lai đề xuất Trung ương xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách để địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Đồng thời, tiếp tục duy trì nguồn vốn, xây dựng cơ chế phân bổ vốn linh hoạt, ưu tiên theo nhu cầu của địa phương.
“Trung ương nên giao quyền phân bổ vốn chi tiết các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình cho cấp tỉnh thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế. Điều này tạo sự linh hoạt và trách nhiệm cho các cấp chính quyền địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn”, ông Quế bày tỏ.
Tương tự, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận đề xuất tăng định mức thực hiện về các nội dung đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, mở rộng đối tượng là hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số. Đồng thời, bổ sung các quy định về sử dụng đất cho người dân. Ngoài ra, đề nghị tăng kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng, với mức 400.000 đồng/ha vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta đã ban hành Chương trình MTQG 1719 rất là đúng và toàn diện, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, đời sống của người đồng bào DTTS đã được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm, hạ tầng cơ sở ngày càng phát triển, y tế, giáo dục ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, Chương trình MTQG 1719 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đây là chương trình mới nên những chính sách của chúng ta vẫn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp và khó thực hiện. Mặt khác, tỉ lệ giải ngân chương trình còn thấp, nguyên nhân do sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với địa phương chưa thực sự nhuần nhuyễn. Trong khi đó, xây dựng cơ sở hạ tầng khi triển khai cũng gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ngoài ra, nguồn nhân lực khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn thấp so với mặt bằng chung đang trở thành thách thức cho các địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Những vấn đề giải quyết sinh kế, nhà ở, đất sản xuất cho người dân vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đây là vấn đề rất nan giải nên trong giai đoạn tới, cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân. Các địa phương cần phải tiếp tục rà soát hành làng pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, rà soát các dự án đã và đang làm, lựa chọn những dự án có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững để thực hiện đầu tư. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng phải tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực tự thân thoát nghèo bền vững”.