Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Phó Thủ tướng Thường trực kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Nam Định và Thái Bình

PV - 21:45, 08/09/2024

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tới kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Thái Bình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Nam Định khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 7/9; trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội, trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa.

Lượng mưa trung bình trong thời gian bão là gần 200mm, cao nhất tại huyện Giao Thủy 360mm. Mực nước trên sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định là 2,60m (nhỏ hơn báo động I 0,60m); mực nước trên sông Ninh Cơ tại trạm thủy văn Trực Phương là 2,40m (lớn hơn báo động II 0,10m), tại trạm thủy văn Phú Lễ là 2,10m (lớn hơn báo động I 0,10m).

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các văn bản để chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão tại địa bàn các huyện, thành phố, nhất là tại 3 huyện ven biển và thành phố Nam Định.

Tỉnh Nam Định cấm biển từ 6h ngày 06/9/2024, cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều ngày 06/9/2024. Tổ chức triển khai rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, đặc biệt tuyến đê biển để triển khai ứng phó với bão số 3. Các bến phà, cầu phao dừng hoạt động từ 18h ngày 06/9/2024, di chuyển toàn bộ các phương tiện vào bờ, chằng buộc bảo đảm an toàn. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông địa phương, nhất là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo bão.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai 1 Sở Chỉ huy tại huyện Hải Hậu (ven biển) để chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời Nhân dân, phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3...

Theo báo cáo của các huyện, thành phố, ghi nhận ban đầu về thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định thì không có thiệt hại về người. Về nông, lâm, diêm nghiệp: Khoảng 5.000ha lúa bị ảnh hưởng nhẹ, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Tốc mái 2 nhà văn hóa; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc... Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.

Về tập trung khắc phục hậu quả sau bão, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra ngay trong ngày 8/9, trước mắt tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để bảo đảm sản xuất nông nghiệp, tập trung sửa chữa bảo đảm hệ thống lưới điện được thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị báo cáo tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị báo cáo tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở bảo đảm an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra. Huy động các lực lượng dọn dẹp ngay vệ sinh môi trường, quét dọn các đường, cơ quan, công sở, trường học... để phục vụ các cơ sở từ ngày mai (9/9) đi vào hoạt động bình thường.

Cắt, thu gom cây xanh bị gãy đổ và di dời khỏi vị trí, xử lý vật cản giao thông trên các tuyến đường để bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn. Yêu cầu ngành Giao thông nối lại hoạt động của các bến phà, chú ý bảo đảm an toàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cơn bão số 3 được coi là siêu bão, sức gió rất mạnh, diễn biến rất phức tạp, song chúng ta đã dự báo khá chính xác, các phương án ứng phó được triển khai từ sớm và hết sức chủ động. Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo cho các địa phương ứng phó và toàn bộ hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động vào cuộc trong phòng chống bão, trong đó có tỉnh Nam Định.

Đánh giá hậu quả của cơn bão số 3 đối với Nam Định là không lớn vì Nam Định không phải là vùng tâm bão, sức gió yếu hơn so với các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng nhưng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây cũng là dịp tập dượt để địa phương ứng phó tốt hơn với các tình huống thiên tai, mưa bão ở những lần tới.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng, Nam Định đã thực hiện công tác phòng chống bão rất tốt, chủ động từ sớm, từ xa; chăm lo chu đáo cho người dân, sát cánh cùng người dân ứng phó và khắc phục hậu quả của cơn bão. Thông tin về cơn bão và công tác dự báo, các chỉ đạo ứng phó với bão được truyền tải tới người dân hết sức kịp thời qua các phương tiện thông tin đại chúng và người dân đã chấp hành rất tốt các chỉ đạo của chính quyền, nêu cao ý thức, tinh thần phòng chống bão để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.

Tuy nhiên, với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, diễn biến tình hình thời tiết sẽ ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn, mưa thì rất to, bão thì rất lớn, nắng nóng thì rất gay gắt. Vì thế, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chúng ta phải có chiến lược, có các cách làm bài bản, căn cơ để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ thời gian tới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, hậu quả do thiên tai, mưa bão gây ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà một số hộ dân ở thành phố Nam Định có nhà ở cũ nát, xuống cấp, không bảo đảm an toàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà một số hộ dân ở thành phố Nam Định có nhà ở cũ nát, xuống cấp, không bảo đảm an toàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Là địa phương ven biển, thường xuyên phải gánh chịu các cơn bão, Phó Thủ tướng đề nghị Nam Định cần rà soát các vùng có nguy cơ cao, không an toàn để có kế hoạch căn cơ trong di dời người dân ở những vùng không an toàn đến những nơi ở mới an toàn, ổn định.

"Công tác ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của các cấp chính quyền Nam Định là rất chủ động; ý thức phòng chống bão của người dân là rất tốt. Tôi mong rằng tinh thần này, ý thức này của các cấp chính quyền Nam Định và người dân địa phương sẽ được phát huy hơn nữa trong các lĩnh vực công tác khác để Nam Định tiếp tục tăng tốc, có nhiều khởi sắc hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Sau làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã tới thăm và tặng quà một số hộ dân ở thành phố Nam Định có nhà ở cũ nát, xuống cấp, không bảo đảm an toàn được chính quyền yêu cầu di dời, tránh trú ở nơi an toàn trong cơn bão số 3.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại Thái Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát, kiểm tra công tác tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (huyện Kiến Xương); các diện tích lúa bị ngập ở huyện Thái Thụy; công tác phòng chống bão lụt và hoạt động trở lại sau bão tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy).

Tại các nơi điểm kiểm tra, thị sát, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng của Thái Bình khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về lúa và hoa màu do hậu quả của cơn bão số 3 gây ra; đề nghị các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Liên Hà Thái bắt tay triển khai ngay các công việc sau bão, đúc rút các bài học kinh nghiệm tốt trong công tác phòng chống bão để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới;...


Diện tích lúa bị nghiêng, đổ, úng ngập của Thái Bình ước tính là 18.000 ha, hiện đang được tích cực bơm tiêu úng - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Diện tích lúa bị nghiêng, đổ, úng ngập của Thái Bình ước tính là 18.000ha, hiện đang được tích cực bơm tiêu úng - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Thái Bình đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 7h ngày 8/9 là 276mm, một số nơi cao hơn như An Hiệp (Quỳnh Phụ) 451mm, thị trấn Tiền Hải 375,8mm, Thụy Trường (Thái Thụy) 370,7mm.

Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, cơn bão không gây thiệt hại về người song một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều.

Đối với sản xuất nông nghiệp, về lúa, có 6.000ha bị thiệt hại 30-70%; 5.000ha bị thiệt hại hơn 70%. Về rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu Hè thu chưa thu hoạch, có 585ha bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760ha bị ảnh hưởng hơn 70%. Về cây ăn quả, có 1.215ha bị ảnh hưởng 30-70%; 170ha bị ảnh hưởng hơn 70%. 

Xảy ra sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Diện tích lúa bị nghiêng, đổ, bị úng ngập ước tính là 18.000ha.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (huyện Kiến Xương) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (huyện Kiến Xương) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về hệ thống điện, phần trung thế, có 4 tủ phân phối trạm điện, 6 máy biến áp, 25 cột trung thế gãy đổ, 7 cột trung thế bị nghiêng. Phần hạ thế, có 131 cột gãy đổ.

Khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thái Bình đã tập trung mở các cống tiêu nước; huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm tiêu, kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Chỉ đạo dọn dẹp cây đổ, rà soát toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở...) để bảo đảm giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão. Khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực như nước, viễn thông, môi trường; với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, song luôn bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa các hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Có phương án để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất.

Kiểm tra, rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão. Tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, khắc phục hậu quả của bão./.