Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai: “Nước xa không dập được lửa gần” ( Bài 2)

TS. Bùi Nguyên Hồng (CĐ) - 09:42, 28/05/2021

Những thành tựu và thách thức qua hoạt động thực tiễn về phòng, chống thiên tai (PCTT) ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực và cả cộng đồng, từ đặc thù về thiên tai ở từng vùng, từng địa bàn đã cho thấy hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ. Do đó, việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ PCTT cần được các cấp, các ngành, các hộ gia đình chủ động triển khai với các phương án phù hợp với thực tiễn ở mỗi cấp, mỗi ngành và từng địa bàn cụ thể.

Trận “đại hồng thủy” năm 2020 vẫn là ký ức kinh hoàng của người dân Hà Tĩnh
Trận “đại hồng thủy” năm 2020 vẫn là ký ức kinh hoàng của người dân Hà Tĩnh

Trách nhiệm của toàn xã hội

Phương châm 4 tại chỗ hình thành từ năm 1967, manh nha từ câu “nước xa không dập được lửa gần”. Sau đó, phương châm 4 tại chỗ được triển khai rộng rãi, đặc biệt là trong công tác hộ đê.

Nhưng đến năm 2006, tại điểm d, khoản 7, Điều 10 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/1/2006 của Chính phủ, phương châm 4 tại chỗ mới chính thức được quy định trong văn bản pháp quy. Tiếp theo đó “4 tại chỗ” cũng đã được quy định trong nội dung nguyên tắc thứ 3 mục II - Nguyên tắc chỉ đạo tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Phương châm 4 tại chỗ được pháp điển hóa tại khoản 3, Điều 4 - Luật PCTT năm 2013. Quy định này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Thực tế các năm qua, việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong PCTT ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực nhưng kết quả vẫn hạn chế. Khi xảy ra thiên tai, việc thực hiện 4 tại chỗ vẫn bị động, lúng túng, thậm chí có nhiều trường hợp phương châm này chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế, hoặc chỉ là phương châm được thể hiện trong phương án PCTT.

Kết quả đạt được khi thực hiện phương châm này thời gian qua chưa được như kỳ vọng của xã hội. Nhưng phương châm 4 tại chỗ là 1 trong 7 nguyên tắc cơ bản trong PCTT đã được pháp luật quy định. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong PCTT là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng.

Để bảo đảm hiệu quả thực hiện, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu PCTT trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, phương châm 4 tại chỗ phải được chuẩn bị theo hướng đa dạng, linh hoạt, khả thi và đồng bộ với kế hoạch, phương án PCTT của các cấp, các ngành và từng lĩnh vực; phù hợp với đặc thù thiên tai ở từng vùng.

4 tại chỗ phải được chuẩn bị phù hợp với từng loại hình thiên tai, như: 4 tại chỗ trong phòng, chống lũ, ngập lụt; 4 tại chỗ trong xử lý các sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật; 4 tại chỗ trong phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới; 4 tại chỗ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; 4 tại chỗ trong phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; 4 tại chỗ trong phòng, chống rét hại; 4 tại chỗ trong phòng, chống động đất, sóng thần...

Kiểm tra việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong PCTT của cơ quan, tổ chức ở các cấp, các ngành là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về PCTT. Qua kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền đôn đốc các cấp, các ngành điều chỉnh, bổ sung nội dung để bảo đảm phương châm này sát với thực tế, khả thi và phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, miền.

Đối với các hộ gia đình và cộng đồng, từ thực tiễn thiên tai xảy ra trên địa bàn, với kinh nghiệm đã trải qua trong PCTT, sẽ chủ động chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ ở quy mô hộ, nhóm hộ (liên gia) theo hướng “tự cứu mình trước khi người khác đến giúp”.

Lực lượng tại chỗ ứng cứu người dân miền Trung trong cơn lũ năm 2020
Lực lượng tại chỗ ứng cứu người dân miền Trung trong cơn lũ năm 2020

Thực hiện linh hoạt

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp theo xu thế gia tăng về tần suất, cường độ, đa dạng về loại hình và phạm vi ảnh hưởng. Do khác nhau về địa hình, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù thiên tai ở từng vùng, từng địa phương. Vì vậy, phương châm 4 tại chỗ được triển khai phải phù hợp với thực tế về thiên tai ở từng địa bàn.

Thực tế cho thấy, ngay 3 năm đầu của thế kỷ XXI (năm 2000, 2001 và 2003) lũ cao liên tiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. Trong số những người bị thiệt mạng, có một số trẻ em bị đuối nước. Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT) đã yêu cầu các địa phương tổ chức ngay việc giữ trẻ tập trung, Đoàn Thanh niên được giao phối hợp với Hội Phụ nữ ở cơ sở thực hiện.

Việc tổ chức giữ trẻ tập trung đã mang lại kết quả về bảo đảm an toàn cho trẻ em vùng ngập lũ. Thực chất việc tổ chức giữ trẻ tập trung miễn phí khi có lũ ở các địa phương vùng ĐBSCL là thực hiện phương châm 4 tại chỗ đối với việc bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai.

Trận lũ năm 2000 trên sông La (Hà Tĩnh), sông Lam (Nghệ An); lũ năm 2002 trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; lũ cao trên toàn hệ thống sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa) và lũ đặc biệt lớn trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) năm 2007, khi lũ lên mức báo động 3, trên các tuyến đê nêu trên đã xuất hiện hàng trăm sự cố, có nhiều sự cố đe dọa đến an toàn của đê. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ về phương án xử lý và sự chỉ đạo sát sao, liên tục của các cấp và cơ quan chuyên môn, phương châm 4 tại chỗ trong công tác hộ đê được triển khai hiệu quả, các tuyến đê được bảo đảm an toàn.

Như vậy, phương châm 4 tại chỗ được manh nha từ thực tiễn công tác hộ đê, trở thành phương châm trong các hoạt động PCTT và đã được pháp điển hóa. Phương châm 4 tại chỗ là 1 trong 7 nguyên tắc cơ bản trong PCTT đã được pháp luật quy định.

Không những thế, thời gian gần đây, phương châm 4 tại chỗ đã lan tỏa đến các lĩnh vực khác như phòng, chống dịch bệnh (phòng chống đại dịch Covid-19), xử lý sự cố giao thông đường bộ trong thiên tai, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mỗi đợt thiên tai... Với những kết quả đã đạt được trước yêu cầu của thực tiễn, phương châm 4 tại chỗ sẽ tiếp tục lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác, để góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.