Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Quảng Ngãi: Xã hội hóa đầu tư công nghệ trong phòng, chống thiên tai

PV - 16:14, 27/07/2021

Tuy góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo những loại hình thiên tai cần nguồn lực rất lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn ngân sách, rất cần nguồn lực xã hội hóa.

Vì thiếu thiết bị chuyên dùng nên ngành chức năng chưa cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ sạt lở
Vì thiếu thiết bị chuyên dùng nên ngành chức năng chưa cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ sạt lở

Xác định phát triển khoa học công nghệ là giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trọng tâm là ứng dụng phần mềm trong dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro lũ lụt trên các lưu vực sông. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, từ nguồn ngân sách tỉnh và kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Ngãi triển khai lắp đặt 37 trạm đo mưa tự động trên các lưu vực sông; đồng thời, tích hợp quản lý trên các ứng dụng điện thoại thông minh, máy tính thông qua các phần mềm.

Ngoài ra, ngành khí tượng thủy văn tỉnh cũng ứng dụng công nghệ vào việc giám sát và cập nhật liên tục mực nước các sông, tình trạng thời tiết có thể xảy ra... nên công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã có sự chuyển biến tích cực cả về thời gian lẫn độ tin cậy. “Điều này đã giúp Ban Chỉ huy BCH PCTT&TKCN các địa phương và đơn vị chủ động theo dõi và nắm bắt thông tin, dữ liệu để kịp thời triển khai phương án phòng, chống hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Minh Vương cho biết.

Tuy nhiên, thiên tai diễn biến bất thường, nên một số ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo chưa đạt độ chính xác cao. Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện có phạm vi quá rộng, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, nên chưa cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, đối với những tình huống thiên tai lớn, xảy ra trên diện hẹp hoặc cục bộ như bão mạnh, lũ lớn, vùng bị sạt lở đất chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, tuy đã được đầu tư, nhưng số lượng trạm đo mưa tự động trên toàn tỉnh chỉ có 89 trạm, nên chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác dự báo, cảnh báo các loại hình rủi ro thiên tai.

“Song song với việc xây dựng các công trình PCTT, cần thiết phải đầu tư hệ thống các trạm khí tượng, thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác PCTT, cũng như hệ thống cảnh báo lũ, ngập lụt thông minh... giúp chuyên gia dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai. Từ đó đưa ra các khuyến cáo giúp chính quyền và người dân kích hoạt sớm hệ thống PCTT, để giảm thiệt hại”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Võ Quốc Hùng kiến nghị./.

Bên cạnh công tác cảnh báo, chính quyền một số địa phương và đơn vị còn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc kết nối các nhóm Zalo trong chỉ đạo, điều hành công tác PCTT và khắc phục hậu quả; sử dụng mạng xã hội và hình ảnh trực quan (các video đồ họa) trong việc tuyên truyền cho người dân, cũng như người làm công tác PCTT tuyến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trong PCTT.