Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội Khóa XV biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi)

Hoàng Quý - 19:18, 14/11/2022

Ngày 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên biểu quyết
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên biểu quyết

Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tại phiên biểu quyết, với 459 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), chiếm 92,17%. Như vậy Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Luật gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, các tổng cục, cục thuộc bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý, Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Việc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các tổng cục, cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “việc thành lập Thanh tra tổng cục, cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ” để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các tổng cục, cục cụ thể.

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định chung về tổ chức và hoạt động thanh tra, trong đó có tiêu chí, điều kiện thành lập. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cụ thể việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ hoặc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Về Thanh tra sở, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có từ 15 - 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 - 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.

Quang cảnh phiên biểu quyết
Quang cảnh phiên biểu quyết

Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều nội dung mang tính đột phá

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 472 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Dầu khí sửa đổi, với tỷ lệ tán thành chiếm 94,78%.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 11 chương 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

Giải trình một số vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dầu khí; nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung tại khoản 3 Điều 6 nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về "ứng phó sự cố tràn dầu".

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Về hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 31 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 2 khoản riêng (khoản 6 và khoản 7) về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: (1) bất khả kháng và (2) vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ…

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.