Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Hoàng Quý - 19:42, 22/05/2024

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Công an, Bộ Y tế đã nghiêm túc các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH, tổ chức hội thảo khoa học về “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban QP-AN có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chính sách mới, các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã có Báo cáo số 104/BC-CP ngày 14/3/2024 báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự án Luật, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách mới trong dự án Luật TTATGTĐB; Bộ Công an đã có Báo cáo số 567/BC-BCA-C08 ngày 22/3/2024 kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Dự thảo Luật TTATGTĐB sau khi tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31, trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan liên quan theo quy định.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới, gộp 4 điều thành 2 điều, tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 2 điều (Điều 33 và Điều 54). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo

Về các vấn đề chung: Trong Báo cáo đầy đủ đã giải trình, tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH về sự cần thiết ban hành Luật; về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo Luật; về tên gọi và bố cục của dự thảo Luật. Trong đó, hầu hết ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Luật, nhưng có một số ý kiến còn băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật. Một số ý kiến đề nghị rà soát các luật liên quan và không quy định lại những nội dung đã được quy định trong luật khác. Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh bố cục các chương, điều để bảo đảm tính lô gic, thống nhất trong dự thảo Luật và tránh chồng chéo, trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Đường bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về những quy định chung (Chương I): Các ĐBQH đã góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm TTATGTĐB, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở dữ liệu về TTATGTĐB và các hành vi bị nghiêm cấm... Các nội dung góp ý đều được báo cáo giải trình, tiếp thu trong Báo cáo đầy đủ.

Về phạm vi điều chỉnh: Nhiều ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác. Có ý kiến đề nghị chuyển một số chương, điều trong dự thảo Luật này sang dự thảo Luật Đường bộ và ngược lại. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo Luật; đồng thời điều chỉnh nội dung giữa hai dự thảo Luật theo nguyên tắc: Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ (GTĐB), phương tiện GTĐB, người tham gia GTĐB, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn GTĐB. Còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB; đồng thời đánh giá khi Luật được thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, văn minh giao thông, đồng thời giúp cho lực lượng CAND thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo đảm trật tự trị an, góp phần giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu góp ý một số nội dung: Cân nhắc quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB; bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục về quy định nồng độ cồn khi lái xe; cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất, đúng phạm vi điều chỉnh của Luật; tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong GTĐB.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 28 lượt đại biểu phát biểu và 1 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, trí tuệ, khách quan và có nhiều thông tin. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật đã tiếp thu, giải trình một số nội dung các đại biểu nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, các ý kiến đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các ĐBQH và chuyển cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến các ĐBQH tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh dự thảo luật gửi Thường trực Ủy ban pháp luật rà soát đầy đủ về kỹ thuật lập pháp và các quy định liên quan; đồng thời chuẩn bị các nội dung để xin ý kiến các đại biểu bằng phiếu đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, trên tinh thần mọi ý kiến của các đại biểu đều được tiếp thu, giải trình đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao.