Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Rừng được bảo vệ từ phong tục, tập quán

PV - 10:00, 08/04/2019

Từ hàng trăm năm nay, những khu rừng thiêng, rừng cấm của đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được bảo vệ, giữ gìn nhờ những phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Một trong những phong tục giữ rừng cần được nhân rộng, phát huy đó là Lễ hội Tết rừng được đồng bào Mông (Nà Hẩu) tổ chức vào cuối tháng Giêng hằng năm.

Ông Sùng A Sềnh ở xã Nà Hẩu cho biết: Tết rừng là truyền thống có từ lâu đời của người Mông để cầu mong thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Trong ba ngày Tết rừng, cả bản bảo nhau không ai được lên rừng chặt cây, săn bắt, đào măng, lấy củi từ rừng... Tết rừng cũng là dịp để Nhân dân trong bản bàn với nhau về kế hoạch bảo vệ rừng cho cả năm.

Những nghi thức của Tết rừng được diễn ra ở cửa rừng, nơi có nhiều cây cổ thụ lớn. Trên bàn thờ bằng đá, được đặt dưới gốc cây lớn nhất là lễ vật gồm một con gà trống lông trắng, một con gà mái lông đen, một con lợn đen do 6 thanh niên người Mông chưa lập gia đình rước từ trung tâm xã đến cửa rừng, rượu, hương, giấy bản… để dâng cúng thần rừng, cầu cho mưa thuận gió hòa, Nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không phá hay khai thác rừng.

Lễ hội Tết rừng của đồng bào Mông ở Nà Hẩu góp phần bảo vệ và phát triển rừng nơi đây. (Trong ảnh: Đồng bào Mông thực hiện nghi lễ cúng thần rừng.) Lễ hội Tết rừng của đồng bào Mông ở Nà Hẩu góp phần bảo vệ và phát triển rừng nơi đây. (Trong ảnh: Đồng bào Mông thực hiện nghi lễ cúng thần rừng.)

Tham gia buổi Lễ, tất cả người dân trong thôn, bản đều mang theo một túi đựng cơm rượu, bát đũa… về tập trung tại khu rừng cấm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Nà Hẩu để tiến hành nghi lễ, sau đó cùng liên hoan.

Cùng với phần lễ, phần hội của buổi Lễ Tết rừng Nà Hẩu được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, góp phần xây dựng mối đoàn kết giữa các thành viên trong bản, trong xã.

Theo ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu thì hằng năm, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hoặc ngày đầu tiên tháng 2 âm lịch, xã đều tổ chức Lễ hội Tết rừng. Trong những ngày diễn ra Lễ hội, tất cả người dân trong xã đều không được vào rừng, dù chỉ hái một chiếc lá.

“Nhờ có phong tục cúng rừng, người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng, nhiều năm qua diện tích rừng trên địa bàn xã được bảo vệ tốt, không xảy ra cháy rừng, vận chuyển gỗ trái phép, những mái nhà nằm dưới những tán rừng già chính là hình ảnh đẹp về sự thân thiện với môi trường ở xã Nà Hẩu. Thông qua phong tục truyền thống tốt đẹp này, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, góp phần cùng lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác bảo vệ quản lý rừng trên địa bàn”, ông Bá nhấn mạnh.

Được biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích tự nhiên hơn 43.230ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 30.528ha. Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên là 5.640ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng là 4.700ha. Những năm gần đây, phong tục cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của thôn, bản trong công tác bảo vệ rừng với sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ xã và cán bộ kiểm lâm.

Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm; tình hình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản, các khoản đóng góp, các khoản được Nhà nước hỗ trợ… đều được đem ra bàn bạc công khai trong ba ngày Tết rừng.

Cũng theo ông Bá, Lễ hội đã và đang được huyện Văn Yên xây dựng thành sản phẩm cho vùng du lịch sinh thái giai đoạn từ 2015-2020. Từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng, khám phá sự kỳ thú của các hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực cũng như những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi đây.n

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục