Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: “Tai biến” địa chất không phải ngẫu nhiên (Bài 2)

Sỹ Hào - 22:00, 30/10/2020

Với những người làm công tác nghiên cứu địa chất, những sự cố sạt lở đất ở miền Trung tăng đột biến trong thời gian qua là không bất ngờ. Bởi ở nơi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” này, các yếu tố kháng trượt ở những sườn đồi dốc đã dần bị phong hóa, cùng với đó là các hoạt động của con người đã kích thích các ‘tai biến” địa chất ngày càng phức tạp.

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: “Tai biến” địa chất không phải ngẫu nhiên (Bài 2)
Sườn dốc tự nhiên bị cắt chân lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các sự cố sạt lở đất

“Tai biến” ngày càng khó lường

Như kỳ báo trước đã phản ánh, sau những ngày chìm trong mưa lũ kéo dài, đất đá ở nhiều sườn đồi dốc ở khu vực miền Trung đã mất độ kết dính, các yếu tố kháng trượt không còn. Bởi thế, ở khu vực này liên tiếp xảy ra những sự cố sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Mới đây nhất, sáng 30/10, thông tin từ UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho thấy, chiều 29/10, trên địa bàn xã Trà Mai lại xảy ra vụ sạt lở đất khiến một người bị mất tích, 1 người bị thương nặng; cả hai nạn nhân đều là người dân tộc Cơ Tu. Như vậy, chỉ trong 2 ngày (từ tối 28 đến chiều 29/10), ở huyện Nam Trà My đã xảy ra 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp, làm bị thương hàng chục người.

Trên thực tế, địa bàn các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam) từng được Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cảnh báo nằm trên đới đứt gãy bề mặt vỏ trái đất có tên Hưng Nhượng - Tà Vy. Đới đứt gãy này kéo dài từ phía tây Quảng Ngãi, xuyên Quảng Nam đến Kon Tum.

Vì thế, khu vực này thường xảy ra động đất. Gần đây nhất, ngày 14/10/2020, ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho thấy, trên địa bàn huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) liên tiếp xảy ra 4 trận động đất, cao nhất là trận động đất có cường độ 3,4 độ richter vào lúc 14 giờ ngày 14/10). Những trận động đất dù cường độ nhẹ nhưng xảy ra giữa lúc miền Trung đang trong tình cảnh “lũ chồng lũ” khiến người dân địa phương lo lắng.

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: “Tai biến” địa chất không phải ngẫu nhiên (Bài 2) 1
Động đất sẽ làm nứt núi, rạn vỡ các liên kết bề mặt của đất, núi đồi,… (Trong ảnh: Vị trí tâm chấn trận động đất xảy ra ngày 14/10/2020 ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi - Nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần)

Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy những trận động đất xảy ra gần đây có liên quan đến các sự cố sạt lở đất liên tiếp ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu với báo chí thì, dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng động đất xảy ra đúng vào thời điểm thường xuyên có mưa lũ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Hiện tượng đa thiên tai, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài có thể ảnh hưởng đến độ ẩm của đất dưới bề mặt, làm nền đất suy yếu. Để xác định rõ nguyên nhân, các nhà khoa học cần phải có thời gian theo dõi và nghiên cứu’, ông Anh chia sẻ.

Không tự nhiên mà gia tăng

Thực tế cho thấy, do các huyện miền núi Quảng Nam nói riêng, các địa phương nằm trên đới đứt gãy bề mặt vỏ trái đất có tên Hưng Nhượng - Tà Vy nói chung, nên thường có nguy cơ xảy ra động đất. Nhưng số lần xuất hiện động đất ở khu vực này ngày càng nhiều hơn khi mà công trình thủy điện Sông Tranh bắt đầu tích nước vào đầu năm 2012.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, chỉ trong 6 năm (2012-2018), khu vực gần thủy điện Sông Tranh (chủ yếu hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra 70 trận động đất. Trong đó, trận động đất lớn nhất có cường độ 4,6 richte xảy ra ngày 15/11/2012 khiến nhiều nhà dân, công trình bị rung nứt.

Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất, với cường độ chỉ trên dưới 5 độ richter, động đất ở khu vực này chưa làm sập nhà, chết người hay xảy ra thảm họa. Nhưng ngoài việc đe dọa cuộc sống vốn yên bình của người dân miền núi mấy năm nay, động đất cũng đã làm rung chuyển, nứt núi, rạn vỡ các liên kết bề mặt của đất, núi đồi… Chính vì vậy, khi mưa lớn kéo dài liên tục, ở đây đã xảy ra sụt trượt lớn và nhiều địa điểm đến bất thường.

Cùng với tác động từ động đất, các sự cố sạt lở núi còn còn bị kích thích bởi hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động khai thác khoáng sản cùng với các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn và thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá.

Ngoài ra, chia sẻ với báo chí, khi đánh giá về nguyên nhân của các sự cố sạt lở đất liên tiếp xảy ra, ông Bùi Văn Đức, giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, việc thi công các công trình hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông miền núi, cũng góp phần làm mất đi các yếu ốt kháng trượt trong các sườn núi. Bởi để thi công thì phải tách bóc đất đá; điều này sẽ phá vỡ trạng thái và điều kiện cân bằng tự nhiên của khối đất, đá, trong đó có thể kể đến như: thay đổi dòng chảy, thay đổi góc nghiêng và chiều cao mái dốc…

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tân, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, trượt lở thường xảy ra ở các taluy đường, những nơi sườn dốc tự nhiên bị cắt chân lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo ông Tân, những vụ việc sạt lở núi đau lòng xảy ra một phần là do chúng ta đã khai thác thiên nhiên quá nhiều để phục vụ cho sự phát triển.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tập trung phát triển kinh tế đã “lấn sân” vào tự nhiên quá nhiều, đặc biệt là tình trạng phá rừng tự nhiên (làm thủy điện, phát triển rừng sản xuất, xây dựng công trình hạ tầng,…). Cái giá cho sự phát triển không thuận theo tự nhiên này đã và đang hiện hữu với những sự cố sạt lở đất thảm khốc đã xảy ra. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Hiện Viện Khoa học địa chất và khoáng sản xây dựng được bản đồ hiện trạng phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá tại 21 tỉnh, thành có núi đồi (chủ yếu từ Đà Nẵng đổ ra phía Bắc). Theo đó, hiện có gần 15.000 điểm từng xảy ra các “tai biến” địa chất, gồm 13.233 điểm sạt lở đất đá; 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún; 22 điểm sụt lún, karst ngầm… Toàn bộ kho tư liệu, dữ liệu, bản đồ này đã được chuyển giao cho cơ quan phòng, chống thiên tai trung ương và các tỉnh, thành, các huyện, xã.



Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, đám cháy xảy ra tại khu vực đất mỏ than bùn do Nhà nước quản lý, sau đó cháy lan sang Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Phú Mỹ làm thiệt hại hơn 10 ha cây rừng tái sinh. Tính đến cuối giờ chiều 12/5, đám cháy đã được khống chế và được các lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt phần cháy ngầm, không cho bùng phát trở lại.