Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Sống trong sợ hãi

PV - 21:11, 29/01/2018

Những vạt rừng bị cày xới loang lổ để tìm quặng, quặng không bán được đành chất thành đống như những núi rác khổng lồ, những dòng suối đầu nguồn trở nên ô nhiễm vì khai thác mỏ,… Thực trạng này đang đè nặng lên cuộc sống của người dân ở một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc.

Lũng Pù (xã Thuận Hòa, Vị Xuyên, Hà Giang) là bản định cư của gần 100 hộ, khoảng 500 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân Lũng Pù lâu nay khổ sở vì nhiều thứ, trong đó có cái khổ vì…. bản có mỏ sắt trữ lượng lớn.

Khai thác khoáng sản đang gây tác động xấu đến môi trường. Khai thác khoáng sản đang gây tác động xấu đến môi trường.

 

Cuối năm 2006, UBND tỉnh Hà Giang cấp phép cho Công ty TNHH Đức Sơn được quyền khai thác mỏ sắt Lũng Pù trên diện tích 58ha, thời hạn 7 năm (2007-2014). Cũng từ đó, cuộc sống của gần 100 hộ đồng bào Mông ở Lũng Pù thường xuyên bị “đánh thức” bởi tiếng gầm rú của các loại máy móc; bùn đất, sỏi đá thải lấp dần các dòng suối…

Trong những năm sau đó, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thu hồi giấy phép khai thác quặng sắt ở Lũng Pù của Công ty TNHH Đức Sơn, nhưng không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo tỉnh Hà Giang vẫn “phớt lờ” và doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh khai thác.

Từ giữa năm 2013, giá thép thế giới giảm sâu, kéo theo nhu cầu về quặng sắt ở trong nước hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ buộc phải “đóng cửa” nhiều mỏ quặng sắt, trong đó có mỏ Lũng Pù.

Những tưởng Lũng Pù sẽ được yên. Nhưng nỗi khổ của gần 100 hộ dân ở đây vẫn dai dẳng. Bởi doanh nghiệp dù đã “rút quân” nhưng chẳng chịu thu dọn “chiến trường”. Do không tiêu thụ được nên hàng nghìn tấn quặng sắt cùng với bùn đất chất đống như những ngọn núi khổng lồ, có thể ập xuống nhà dân và ruộng vườn bất cứ lúc nào.

Chị Sèo Thị Dú, người dân thôn Lũng Pù, ngao ngán nói: “Sống dưới chân bãi khai thác mỏ khổ lắm. Đường sá thì bị cày nát, nước bị ô nhiễm, cây cối cũng sống không được”.

Nỗi khổ của người dân Lũng Pù cũng là tình cảnh chung của người dân đang “sống chung với quặng thải” ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo thống kê, với hàng trăm điểm mỏ đang khai thác hoặc đã đóng cửa, toàn tỉnh đang tồn đọng khoảng 3 vạn tấn quặng đã được múc lên, ngày đêm phơi sương phơi gió và… đe dọa cuộc sống của người dân. Nỗi khổ này được nâng lên thành nỗi sợ hãi vào những ngày mưa gió bão bùng.

Nhưng đây có lẽ chưa phải là nỗi sợ hãi duy nhất của người dân vùng cao sinh sống cạnh các điểm khai thác mỏ khoáng sản. Quặng thải là nỗi ám ảnh hữu hình. Có nỗi sợ hãi vô hình khác đến từ những điểm mỏ khai thác vàng. Nhiều mỏ vàng sau khi dừng khai thác đã để lại trong lòng đất, trong nguồn nước chất độc chết người. Đó là thủy ngân, một kim loại lỏng được dùng để lọc vàng sa khoáng.

Pì Nhừ là “vùng đất dữ” được biết đến lâu nay của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Là “vùng đất dữ” bởi nguồn đất, nguồn nước nơi đây từ lâu bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác mỏ vàng ở bản Háng Trợ. Mặc dù mỏ vàng này đã đóng cửa nhưng hệ lụy về môi trường vẫn chưa có phương án để xử lý triệt để.

“Cái độc” của mỏ vàng Háng Trợ là nó nằm ngay đầu nguồn dòng suối Khó Sâu. Vì thế, không chỉ 66 hộ dân ở Háng Trợ bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác vàng mà hàng trăm hộ ở hạ nguồn, qua các bản Cồ Dề A, Cồ Dề B, Nà Ngựu cũng “vạ lây”. Không tan được trong nước nên thủy ngân theo dòng nước ngấm vào đất, trở thành một ẩn họa.

Bao giờ đất, nước Pì Nhừ được trả lại như hiện trạng ban đầu hiện vẫn là câu hỏi lớn dành cho ngành tài nguyên-môi trường và các cấp, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là câu hỏi đối với các địa phương đang “tồn kho” hàng trăm ngàn tấn quặng thải chưa biết đổ đi đâu đang ngày đêm ám ảnh.

SỸ HÀO

 

Tin cùng chuyên mục