Tăng đột biếnTheo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG), những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 179 người, 186 người bị thương. Tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một con số thực sự rất đáng lo ngại.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội ngay trong đêm giao thừa vẫn tấp nập người, tiếng chân chạy rầm rập, thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu lại hú từng hồi khiến nhiều người giật mình.
Bác sĩ Trần Đình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, riêng đêm giao thừa đến chiều mùng 1 Tết, nơi đây đã tiếp nhận gần 130 ca cấp cứu. Trong số đó, khoảng 60 trường hợp tai nạn giao thông, với 80% trong số đó chấn thương sọ não, 12 trường hợp không thể cứu chữa.
Còn tại Bệnh viện E, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện cũng cho biết, ngay trong đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành mổ cấp cứu 5 ca do chấn thương sọ não. Điều đáng nói, hầu hết các ca này đều do người bệnh trước đó có sử dụng rượu bia và gây tai nạn giao thông.
Lý giải nguyên nhân tai nạn giao thông ngày Tết tăng cao, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGTQG cho biết, bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, sự hiếu thắng của một số thanh thiếu niên thì rượu bia trong những ngày Tết là nguyên nhân cơ bản.
Theo ông Hùng, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Ông Hùng đưa ra con số thống kê có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
“Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông”, ông Hùng chia sẻ.
Cần thêm các giải pháp mớiTai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng cứ mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, những thương vong, tang tóc do tai nạn giao thông vẫn xảy ra, để lại nỗi đau cho những người thân. Không lái xe khi đã uống rượu bia, đó vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Nhưng, sẽ vẫn không phải là thừa khi những con số thương vong do tai nạn giao thông, do rượu bia vẫn diễn ra hằng ngày, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Và những con số trên lại thêm một lần cảnh báo tới người dân về mức độ nguy hiểm của rượu, bia cũng như những hệ lụy do bia, rượu gây ra.
Để giải quyết tình trạng trên, bên cạnh các giải pháp đã và đang làm như tuyên truyền, vận động người dân thì hiện nay, chúng ta cần phải bàn thêm các giải pháp mới. Có một thực tế trong mỗi dịp Tết Nguyên đán là lượng tham gia giao thông ở các nông thôn, miền núi tăng đột biến so với ngày thường.
Thêm vào đó, người tham gia giao thông khu vực này thường uống nhiều rượu bia khi lái xe, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Trong khi đó, lực lượng xử lý vi phạm giao thông ở nông thôn, miền núi lại mỏng.
“Thực tế, có người khi đi làm việc ở thành phố chấp hành luật giao thông khá nghiêm, nhưng khi về quê lại vi phạm do có tâm lý ngày Tết ở quê ít CSGT. Hơn nữa lực lượng chức năng cũng có tâm lý nể nang, không muốn mang lại xui xẻo cho bà con nên thường chỉ nhắc nhở khi phát hiện vi phạm.
Đây là nguyên nhân lý giải lượng xử phạt trong ngày Tết có tăng nhưng không nghiêm minh được như ngày bình thường”, ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.
Chính vì vậy, trong các dịp Tết Nguyên đán sau, chúng ta cần rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng xử lý vi phạm giao thông và chế tài xử phạt nhất là tình trạng uống rượu bia sau khi lái xe ở khu vực nông thôn, miền núi.
Một vấn đề đáng bàn nữa là thời gian tới ở hầu hết các địa phương trên cả nước sẽ bước vào mùa lễ hội. Đây cũng là thời điểm có nguy cơ tai nạn giao thông cao do người dân đi lại tăng cao. Vì vậy, chúng ta cũng cần bố trí, tăng cường các phương tiện vận tải công cộng, giảm thiểu các phương tiện cá nhân đến các điểm hành hương phục vụ người dân.
HIẾU ANH