Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Thầy Thuốc trẻ Việt Nam: Phát huy vai trò xung kích vì sức khỏe cộng đồng

PV - 14:36, 08/07/2019

Năm 2019 đánh dấu 10 năm thành lập của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và 10 năm chương trình Thầy thuốc trẻ tình nguyện, vì sức khỏe cộng đồng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương về những kết quả đạt được trong công tác khám chữa bệnh ở vùng miền núi, DTTS...

Thưa ông, ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sau 10 năm hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với vùng DTSS, miền núi?

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã có 62 tỉnh, thành phố có tổ chức Thầy thuốc trẻ, trong đó có 31 Tỉnh hội, hơn 300 Chi hội và Câu lạc bộ tại các bệnh viện Trung ương và địa phương với tổng số 82.600 hội viên, là các thầy thuốc trẻ trên toàn quốc.

Đến nay, đã có hơn 10 triệu lượt người dân, trẻ em trên cả nước, trong đó phần lớn là người dân, trẻ em vùng khó khăn, vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo… được khám bệnh, phát thuốc, mổ mắt miễn phí, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không truyền nhiễm... Hơn 10 triệu đơn vị máu đã được thanh niên, thầy thuốc trẻ hiến máu tình nguyện; 250 thầy thuốc trẻ được tuyên dương “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu” và “Thầy thuốc trẻ bám bản”…

Giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Trần Văn Thuấn (ngoài cùng bên phải) và Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Vũ Mạnh Hà (ngoài cùng bên trái) trao đổi những kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang. Giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Trần Văn Thuấn (ngoài cùng bên phải) và Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Vũ Mạnh Hà (ngoài cùng bên trái) trao đổi những kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang.

Các chương trình do Hội tổ chức như: Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác; Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng; hoạt động khám bệnh tặng quà trong dịp Xuân tình nguyện… đều tập trung vào những huyện, những xã nghèo nhất, khó khăn nhất để đem kiến thức, kinh nghiệm của mình về với bà con với phương châm: “Ở đâu có thầy thuốc trẻ, ở đó có hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”.

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của Thầy thuốc trẻ ở vùng miền núi, vùng DTTS?

Năm 2018, tôi cùng Đoàn Thầy thuốc trẻ Hà Nội đã trải qua chặng đường gần 700km để khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1000 người dân tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những huyện vùng cao nghèo nhất cả nước, với dân số đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Các cơ sở vật chất và điều kiện y tế ở đây còn rất thiếu thốn. Đoàn công tác đã vận động các doanh nghiệp tài trợ cho huyện máy siêu âm 4D trị giá 950 triệu đồng, một máy trợ thở trị giá 100 triệu đồng và một máy theo dõi nồng độ oxy và nhịp tim cho trẻ sinh non.

Tại đây, chúng tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu-một bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. Trong suốt thời gian công tác tại đây, bác sĩ Hiếu đã khám, chữa khỏi bệnh cho rất nhiều bà con, đặc biệt là trẻ em. Nhiều ca bệnh khó đã được chữa trị ngay tại huyện mà không phải chuyển lên tuyến trên. Không những thế bác sĩ Hiếu còn giúp thay đổi nhận thức của bà con về tiêm chủng phòng bệnh. Trong một lần quên thân mình cấp cứu cho bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV, bác sĩ Hiếu phải uống thuốc phơi nhiễm, rất may là kết quả âm tính. Sau khi kết thúc thời gian công tác tại cơ sở (theo Đề án 585), bác sĩ Hiếu đã đề nghị với cấp trên được ở lại với bà con để tiếp tục phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bà con nhiều hơn nữa.

Câu chuyện về bác sĩ Hiếu đã khiến chúng tôi và nhiều người xúc động. Có thể thấy, thông qua các chương trình tình nguyện của Hội, ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ giỏi tay nghề, có tâm sáng như Bác sĩ Hiếu, sẵn sàng tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, từ đó góp phần cải thiện điều kiện y tế, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông, những khó khăn, thách thức lớn nhất trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng DTTS, miền núi là gì?

Những khó khăn, thách thức trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng DTTS, miền núi thì nhiều lắm. Ví dụ như: rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt và đối phó với bệnh tật của người dân hay điều kiện sinh hoạt và làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn… Vì thế, Đảng và Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách thật tốt để động viên, khuyến khích các thầy thuốc trẻ có trình độ, sẵn sàng, yên tâm về công tác tại những nơi khó khăn nhất của Tổ quốc.

Thời gian tới, Hội Thầy Thuốc trẻ có giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng DTTS?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Bộ Y tế triển khai chương trình thuộc Đề án 585 đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn. Tiếp tục tổ chức các chương trình tình nguyện vì cộng đồng, hướng đến những nơi khó khăn nhất của đất nước. Đối với các thầy thuốc trẻ đã tham gia chương trình, Hội sẽ có nhiều hình thức biểu dương và hỗ trợ để các thầy thuốc trẻ trở thành những điểm sáng của tinh thần tình nguyện cũng như hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để các thầy thuốc trẻ yên tâm công tác.

Với những bạn trẻ mới bắt đầu vào ngành, Hội sẽ hướng các bạn tham gia các hoạt động vì cộng đồng, trải nghiệm và cảm nhận cái tâm của người thầy thuốc, khuyến khích các bạn tham gia tình nguyện. Các bạn đi để chia sẻ, để cống hiến, để khẳng định và để trưởng thành...

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.