Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Theo chân người Jrai lên rừng “săn kiến vàng”

PV - 10:13, 18/09/2019

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được biết đến với rất nhiều món ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, đặc sản muối kiến vàng Krông Pa có lẽ là món ăn được khá nhiều người biết đến, nó có mặt trong mâm cơm của đồng bào từ bao đời nay. Để khám phá nét ẩm thực này, chúng tôi đã theo chân người dân địa phương bám rừng “săn kiến vàng”.

Đồng bào nơi đây cho rằng, kiến phải lấy từ trong rừng về mới “sạch” nên hầu hết người ta thường vào rừng bắt kiến. Đồng bào nơi đây cho rằng, kiến phải lấy từ trong rừng về mới “sạch” nên hầu hết người ta thường vào rừng bắt kiến.

Theo chân thợ săn kiến

Biết ý định của chúng tôi, ông Nay Mơ, dân tộc Jrai ở buôn Ngôm, xã Chư Drăng thợ săn kiến chuyên nghiệp cho hay: “Kiến vàng được mệnh danh là đặc sản của vùng này đấy. Các cô, cậu có muốn đi xem bắt kiến thì theo tôi”. Nhận được lời mời, chúng tôi nhanh chóng nổ máy xe, bám theo xe ông Nay Mơ lên đường vào rừng.

Lớn lên ở vùng đất này, cùng với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng nên ông Nay Mơ am hiểu tường tận các ngõ ngách đường rừng và các loại đặc sản của vùng đất. Ông cho biết: Kiến ngon nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 vì lúc này kiến có trứng nên ăn rất béo. Đồng bào thường vào rừng bắt kiến chứ không bắt kiến ở vườn nhà. Vì ở rừng đảm bảo “vệ sinh”, không sợ bị dính tạp chất.

Ông Nay Mơ cho chúng tôi chiêm ngưỡng một tổ kiến vàng mới được lấy từ trên cây xuống. Ông Nay Mơ cho chúng tôi chiêm ngưỡng một tổ kiến vàng mới được lấy từ trên cây xuống.

Đặc biệt, người đi săn kiến cũng có những nguyên tắc như, tránh làm ảnh hưởng đến cây cối trong rừng để kiến không bị động bỏ đi, hay không xây tổ. “Mình cũng không biết dân làng biết ăn kiến từ lúc nào. Chắc là từ thời xưa, người ta cơ cực quá, rồi sáng chế ra món này. Người ta thích ăn vì nó có vị chua chua, ngậy ngậy. Thường người dân bắt kiến ở rừng vì chúng sạch sẽ và không dính bụi bẩn”.

Chạy xe khoảng 5km, đến gần khu vực suối Uar ông Mơ dừng lại quan sát và thông tin sẽ bắt kiến ở đây, khu vực này còn nhiều kiến vì chưa ai bắt. Dứt lời, ông nhanh chóng rảo bước luồn qua các bụi cây rậm rạp để tìm tổ kiến. Đôi chân ông bước nhanh thoăn thoắt, dẫn đường phát mấy cành bụi rậm để chúng tôi theo. Dừng lại ở gốc cây to, ông ngoảnh lại ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, chờ ông leo lên cây bắt kiến. Với cách thể hiện của một thợ săn mồi, thao tác nhanh, chỉ với một con dao rựa và kỹ năng đu mình trên cây, ông đã nhanh chóng tóm gọn tổ kiến bỏ chúng vào bao rồi cột chặt.

baodantoc_san_kien_vang3

Lấy xong tổ kiến, ông nhảy xuống rồi hé miệng bao cho chúng tôi xem. Ông Mơ cho biết: “Còn vài tổ trên cao, nhưng nếu muốn bắt phải chặt cành cây, nên thôi, mình đi bắt ở cây khác”. Cứ như thế, cho đến khi chiếc bao đầy ắp tổ kiến vàng, thợ săn mới chịu nghỉ. Ra khỏi rừng thì cũng vừa lúc ông mặt trời đứng bóng.

Đặc sản Tây Nguyên

“Để làm được món ăn từ kiến vàng qua nhiều công đoạn lắm, không đơn giản bắt về là có ăn đâu nhé. Loài kiến nay đốt rất đau và ngứa lâu, không cẩn thận kiến đốt khắp người ngứa ngáy cả tuần chứ chẳng chơi”, ông Mơ nói.

Mở nắp bao kiến ra, ông Mơ lấy một tổ kiến còn nguyên vẹn diễn tả cho chúng tôi thấy cách tách kiến ra khỏi tổ. Tùy vào mục đích, có người dùng kiến để nấu canh chua, làm gia vị chế biến món ăn. Còn với kiến vàng phơi khô thì có người giã chung với ớt làm muối.

Muối kiến được người dân nơi đây giã chung với ớt và thêm gia vị tạo thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng chảo lửa Krông Pa. Muối kiến được người dân nơi đây giã chung với ớt và thêm gia vị tạo thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng chảo lửa Krông Pa.

Anh Rơ Căm Sáu, 23 tuổi, dân tộc Jrai ở buôn Chai, xã Chư Drăng chia sẻ: “Mình chỉ đi bắt kiến về cho gia đình ăn thôi, về nấu canh chua hoặc làm muối để lên rẫy ăn cơm. Đối với người Jrai ở đây, bữa cơm nào cũng có món muối kiến. Muối kiến cũng là đặc sản vùng này đấy, nhiều người trong làng đi bắt bán cho người ta để chế biến thành muối ăn bò một nắng nổi tiếng Krông Pa.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết: kiến vàng không có độc nên đồng bào nơi đây thường lên rừng bắt kiến về ăn. Có người còn đi bắt kiến mang bán cho các cơ sở chế biến đặc sản bò một nắng.

Tại vùng đất Krông Pa, muối kiến không chỉ là thứ gia vị dân dã có mặt trên gác bếp, trong mâm cơm của mỗi gia đình của đồng bào DTTS. Từ một thức chấm dân dã được đồng bào sáng chế ra trong những ngày đói khổ, giờ đã trở thành món quà địa phương, mang đậm nét vùng miền trong lòng mỗi vị khách ghé thăm Tây Nguyên.

THÙY DUNG