Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH

PV - 11:11, 21/02/2023

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022

Giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).

Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 01/2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Trong đó có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).

Theo báo cáo, để đạt được những kết quả nêu trên là do: Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả; Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công; Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia thực hiện trong kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, việc bố trí vốn được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục được là: Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.

Năm bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở phân tích tình hình, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, công tác chỉ đạo điều hành thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, địa phương đã tạo nhiều chuyển biến, đạt những kết quả tích cực.

Hai là, nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn, vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

Ba là, các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bốn là, duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.

Năm là, tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế,  phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ gắn với đánh giá, phân loại cuối năm.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh VGP/ Nhật Bắc

TÌNH HÌNH PHÂN BỔ, GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023

Đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, báo cáo cho biết, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn NSTW.

Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.

Đến hết ngày 17/02/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 305.950.525 tỷ đồng, đạt 84,1%, vốn NSĐP là 289.665,478 tỷ đồng, đạt 84,4%.

Số vốn NSNN còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 117.313,085 tỷ đồng (15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao); bao gồm: vốn NTSW là 63.697,521 tỷ đồng (33/51 bộ, cơ quan trung ương và 55/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch), vốn cân đối NSĐP là 53.615,564 tỷ đồng (19/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch).

Khó khăn, thách thức 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức như: Khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài việc điều hành kế hoạch năm của các dự án đã có trong trung hạn, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện, giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025), trong đó lượng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn (bao gồm kế hoạch năm 2023 và toàn bộ số vốn năm 2022 chưa giải ngân được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2023).

Bên cạnh đó, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu…cũng có thể tác động không thuận đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Với những thuận lợi, khó khăn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Chúng ta cần tập trung phân tích thấu đáo, khách quan tình hình, tồn tại, khó khăn đã được chỉ ra trong năm 2022 và các năm trước, vận dụng những bài học kinh nghiệm để thống nhất đưa ra các giải pháp cùng triển khai thực hiện.

Tại các Phiên họp Chính phủ tháng 7, 8 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo các vướng mắc trong quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công liên quan đến 07 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công).

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, quản lý ngành lĩnh vực rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Nhận diện tổng thể, đầy đủ, bao quát toàn bộ vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ

Để có thể nhận diện một cách tổng thể, đầy đủ, bao quát hơn toàn bộ vướng mắc, khó khăn liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo bổ sung vướng mắc liên quan đến toàn bộ giai đoạn thực hiện một dự án đầu tư công (chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, kết thúc dự án). Cụ thể:

Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chuẩn bị dự án) gồm các công việc như khảo sát xây dựng, lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, lập, thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư dự án và các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

Ở giai đoạn này, vướng mắc chủ yếu liên quan đến: việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng không chỉ đến các dự án của địa phương mà còn đến các dự án của trung ương trên địa bàn.

Đây cũng chính là một trong các lý do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, thay thế dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã báo cáo Quốc hội bằng một dự án mới.

Các dự án đã báo cáo Quốc hội vướng mắc về quy hoạch nên không thể hoàn thiện thủ tục đầu tư, do đó không giao được kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo chủ động cho các địa phương.

Cụ thể như liên quan đến lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định: Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai thuộc danh mục dự án đầu tư nhóm II, phải đánh giá tác động môi trường.

Như vậy, việc thu hồi, chuyển đổi mục đích 1m2 đất lúa cũng phải lập ĐTM là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn.

Thứ hai, giai đoạn thực hiện dự án: chuẩn bị mặt bằng (dự án xây dựng), lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng nhà thầu thi công hoặc cung cấp trang thiết bị, giám sát…

Trong giai đoạn này, nhiều dự án đã vướng ngay khâu đầu tiên, đó là công tác giải phóng mặt bằng, trong đó vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường…

Khi dự án được giao mặt bằng đến khâu thi công khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu, thủ tục cấp phép khai thác mỏ, bãi đỗ thải, việc cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại một số địa phương còn chậm, chưa phù hợp diễn biến giá thị trường,...năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế,...

Thứ ba, giai đoạn kết thúc dự án gồm các công việc như quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao công trình,... ở giai đoạn này vướng mắc liên quan đến việc chấp hành kỷ luật về thời gian lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán của một số chủ đầu tư, tồn tại nhiều dự án do quyết toán chậm, hồ sơ để quá lâu nên một số nhà thầu đã giải thể, không thu hồi được công nợ không tất toán được,...

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nặng nề hơn năm 2022, do đó phải triển khai quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Ảnh VGP/Nhật Bắc

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Về xây dựng cơ chế, chính sách, đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Tuy nhiên vẫn còn 03 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 03 CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Phương án giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, địa phương; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và các phương án giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.

Về thực hiện, giải ngân vốn NSNN năm 2022, theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến 30/01, đã giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW (khoảng 57% kế hoạch), còn 02/52 địa phương giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân vốn. Đến hết tháng 12 năm 2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023: Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 (bao gồm: 24.216,812 tỷ đồng vốn ĐTPT, 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, địa phương thực hiện 03 CTMTQG năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.

Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kế hoạch vốn trung hạn còn lại được giao; Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án phân bổ.

Đến hết ngày 17/02/2023, có 40/48 địa phương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư địa phương năm 2023 của 03 CTMTQG.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát đánh giá các CTMTQG: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 02 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì 03 Hội nghị trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn và chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình năm 2023.

Tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn còn thiếu ngay trong Quý I năm 2023; đồng thời, rà soát các kiến nghị, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong xử lý tháo gỡ vướng mắc của địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Thứ hai, các địa phương chủ động học hỏi kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thành việc cụ thể hóa các quy định, cơ chế chính sách thực hiện tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, chủ động sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tập trung, tránh dàn trải.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương; tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ thực hiện và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình (trong tháng 02 năm 2023, tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương với các địa phương).

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chủ chương trình chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc nắm bắt tình hình, tiến độ thực hiện từng chương trình tại các địa phương.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh VGP/Nhật Bắc

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KTXH

Báo cáo cho biết, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; ban hành 17/17 văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách thuộc Chương trình.

Giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 01 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó: cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỷ đồng (94 nhiệm vụ, dự án); đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với số vốn 14.710 tỷ đồng (129 dự án). Đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại: các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ là 9.605 tỷ đồng, các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư là 1.214 tỷ đồng, các dự án chưa được thông báo vốn là 3.332 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.

Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư 2.856 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý.

Còn 14.151 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp không giao kế hoạch trước ngày 31/3 sẽ không được tiếp tục thực hiện.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Ảnh VGP/Nhật Bắc

PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI QUYẾT NGHỊ

Năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện yêu cầu, mục tiêu, phấn đấu giải ngân theo kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023

Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được giao, bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể sử dụng nguồn Chương trình để phân bổ, giao cho dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sau đó điều chỉnh lại tương ứng cho các dự án thuộc Chương trình.

Việc điều hòa vốn phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Dự án đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm; các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thúc đẩy giải ngân tối đa vốn Chương trình cho tất cả các nhiệm vụ, dự án (bao gồm cả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và các nhiệm vụ, dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn từ nguồn Chương trình.

Đối với các nhiệm vụ, dự án đã được bộ, cơ quan trung ương, địa phương giao kế hoạch vốn năm 2023 nhưng vẫn còn hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, đề nghị bố trí vốn từ Chương trình để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án nêu trên.

Nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… như thực hiện trước công tác kiểm đếm, đo đạc đất, phương án tái định cư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi của dự án.

Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức Hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với Hợp đồng trọn gói thi công.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG trong tháng 02 năm 2023; rà soát các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, chồng chéo, sửa đổi kịp thời để các địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện 03 CTMTQG; chủ động thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15. Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG tổ chức họp định kỳ để nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ, trong đó:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, số tiền còn lại không sử dụng hết, đề xuất phương án xử lý.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ về cụ thể số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.

Đối với việc phân bổ số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại chưa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến:

Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế các bộ liên quan sớm có ý kiến đối với danh mục các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư của các bộ, địa phương tại văn bản số 857/BKHĐT-TH ngày 9/2/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đề nghị Bộ Y tế và 12 địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 856/BKHĐT-TH ngày 9/2/2022, sớm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 02 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hoàn thiện thủ tục đầu tư không đúng thời hạn nêu trên.

Đối với số vốn 3.332 tỷ đồng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư của các dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28/02/2022.

Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại chưa phân bổ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023 và Công điện, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trước ngày 28/02/2023 ; đề xuất phương án xử lý số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 25/02/2023 chưa phân bổ hết.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo các nội dung quy định của Luật Đầu tư công.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở làm việc của các đoàn công tác về kiểm tra 3 CTMTQG, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành văn bản chỉ đạo sau Hội nghị (Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị hoặc Công điện của Thủ tướng Chính phủ) để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023./.