Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Trận chiến chống dịch bên sông Cầu

Đông Khánh - 15:20, 04/06/2021

Vậy là đã gần một tháng qua, Bắc Giang phải gồng mình đương đầu với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Đó cũng là quãng thời gian người dân nơi đây luôn thắc thỏm lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên. Và có lẽ người dân cả nước cũng đang hướng về Bắc Giang với niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh. Nơi tâm dịch có muôn vàn câu chuyện cảm động về tình người và sự hy sinh cao cả của các y bác sĩ tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Chuyến xe đưa công nhân đến khu cách ly trong đêm.
Chuyến xe đưa công nhân đến khu cách ly trong đêm.

Thương lắm Bắc Giang

Cơn mưa giông bất chợt ập xuống chiều cuối tuần cũng không thể xua tan cái “sức nóng” hầm hập trong công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang lúc này. Nơi đây là tâm điểm thu hút sự quan tâm, hướng về của cả nước, bởi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại các khu công nghiệp.

Nhìn những con số thống kê tăng lên từng ngày mà cảm thấy lo lắng khôn nguôi. Tính đến sáng ngày 4/6, Bắc Giang đã có hơn 2.713 ca mắc Covid-19; hơn 17 nghìn người (F1), nhiều trẻ em phải cách ly tập trung; nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, hàng trăm nghìn công nhân phải ngừng việc. Đời sống, tinh thần của Nhân dân bị ảnh hưởng rất lớn. Công tác khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân hơn lúc nào hết được thực hiện với cường độ cao nhất, thần tốc nhất. Bệnh viện dã chiến lớn nhất với quy mô hơn 600 giường đã phải đưa vào hoạt động. Rất nhiều đoàn quân “tinh nhuệ” của các cơ quan y tế từ trung ương đến các địa phương đã đến tiếp sức cho Bắc Giang lúc này.

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, các y bác sĩ và người dân, công nhân đã có nhiều đêm trắng để chạy đua với thời gian trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều trị. Từng đôi mắt thâm quầng vì những đêm thiếu ngủ của các nhân viên y tế, tình nguyện viên mà tôi gặp đã nói lên sự nhọc nhằn nơi “trận chiến” bên sông Cầu. Đã bao ngày qua, cho dù nóng bức nhưng họ vẫn phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít với kính chắn giọt bắn và khẩu trang là vật bất ly thân. Có lúc ngột ngạt đến sắp ngất mà không dám tháo khẩu trang ra, vì lo sẽ bị lây nhiễm dịch bệnh…

Đoàn quân áo trắng đi vào vào từng ngõ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân
Đoàn quân áo trắng đi vào vào từng ngõ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân

Xem những hình ảnh “đoàn binh” dài dằng dặc trong bộ đồ bảo hộ y tế đi về từng ngõ xóm trong khu công nghiệp, ai cũng cảm thấy quặn lòng. Họ đang ngày đêm vắt kiệt sức lực cho “trận chiến” không tiếng súng. Làm việc căng thẳng, cường độ cao trong môi trường khắc nghiệt, nhiều người đã ngất lịm, giờ giải lao họ nằm vật ra nền đất tranh thủ nghỉ một lát rồi lại lao ngay vào công việc.

Bạn tôi - một giảng viên Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang và các học trò của mình có mặt tại Khu Công nghiệp Vân Trung từ khi dịch mới bùng phát đến nay đã gần một tháng mà chưa được về nhà. Gác lại việc riêng, nhớ chồng, thương con còn thơ bé, bao mệt nhọc, hiểm nguy nơi tâm dịch nhưng bạn không than phiền nửa câu.

Ngày sinh nhật bạn, mọi người hỏi thăm, chúc mừng trên nhóm Zalo, phải đến khuya mới thấy dòng hồi âm ngắn gọn: “Tôi vẫn ổn, cảm ơn các bạn nhiều!”, gửi kèm theo là hình ảnh thầy trò trong bộ trang phục như những “phi hành gia” vừa kết thúc một ngày lấy mẫu xét nghiệm. Bạn kể, nắng nóng cùng cường độ làm việc liên tục nhiều giờ khiến nhiều đồng nghiệp mệt lả, ngất xỉu. Do yêu cầu công việc gấp nên có thời điểm phải làm việc liên tục đến 1-2 giờ sáng. Thế nhưng mọi người đều đoàn kết, động viên nhau gắng sức vượt qua. Nhiệm vụ của tổ là khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm, bởi việc có kết quả xét nghiệm nhanh phút nào thì sẽ hạn chế tốc độ lây lan dịch trong cộng đồng phút đấy....

Các y, bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức
Các y, bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức

Giữ vững thành trì

Nhiều địa bàn bị cách ly, giãn cách, phong toả và người dân cảm nhận rất rõ nhịp sống đã trầm xuống rất nhiều. Đường sá vắng hoe, hàng quán không mở, nhà nhà cửa đóng then cài... Phượng vĩ đã đỏ rực bên đường, bằng lăng tím ngắt một góc trời, vậy mà chỉ có tiếng ve kêu râm ran và tiếng loa phường phát liên tục các bản tin phòng, chống dịch...

Nhìn những em bé được mẹ ẵm trên tay đi vào bệnh viện, vào khu các ly mà khoé mắt thấy cay cay. Chứng kiến những đứa trẻ lên ba, lên năm đã phải xa gia đình, xa vòng tay nâng niu của cha mẹ để vào khu cách ly, không thể cầm nổi nước mắt. Lại ngân ngấn lệ mỗi lần đọc bài thơ do một cô giáo Trường Mầm non đã viết trong khu cách ly cùng trẻ: “Cơn mưa rào bất chợt giữa đêm/Làm bọn trẻ bỗng giật mình tỉnh giấc/Lại sụt sùi sau một vài tiếng nấc/Cô giáo ơi! Mẹ của con đâu?/Cô vỗ về, ngồi cạnh bé thật lâu/Thay chiếc khẩu trang đẫm nhoè nước mắt/Bàn tay nhỏ, con ôm cô thật chặt/Mạnh mẽ thế nào, vẫn để nước mắt rơi”...

Lại có những bếp ăn phục vụ hàng nghìn người trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến phải “đỏ lửa” từ 2-3 giờ sáng. Những đoàn xe cứu trợ nườm nượp đưa hàng về với công nhân xóm trọ, các “binh chủng” tinh nhuệ nhất ngành y từ khắp nơi chi viện cho Bắc Giang. Nhìn cảnh “quần nhau với giặc” ấy không thương sao được. Đất nước ta đang thời bình mà sao cứ ngỡ như thời chiến tranh... Tất cả cũng bởi “kẻ thù giấu mặt” mang tên Covid-19.

Thế nhưng trong khó khăn, gian khổ, ý chí và tinh thần “thép” trong mỗi con người thêm một lần nữa lại được rèn luyện, thử thách và toả sáng. Sự hy sinh, trách nhiệm của các bác sĩ, tình nguyện viên trong suốt những ngày qua đã chứng minh cho điều đó. Hầu hết trong số họ là những người còn trẻ, dù biết làm việc trên tuyến đầu chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, song nhận nhiệm vụ là họ sẵn sàng lên đường, kiên cường bám giữ trận tuyến.

Tình nguyện viên kiệt sức sau nhiều ngày làm việc áp lực căng thẳng nơi tâm dịch
Tình nguyện viên kiệt sức sau nhiều ngày làm việc áp lực căng thẳng nơi tâm dịch

Như trường hợp sinh viên Nguyễn Phương Thảo (SN 1998), Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong đoàn tình nguyện lên Bắc Giang tiếp sức chống dịch. Phải làm việc liên tục trong nhiều ngày dưới thời tiết nắng nóng, chiều ngày 26/5, Thảo thấy chóng mặt, đau đầu, co cơ, thân thể nhức mỏi và đã ngất lịm đi. Vậy mà sau khi được thầy cô, bạn bè hỗ trợ, nghỉ ngơi thấy vừa khỏe hơn, cô sinh viên năm thứ 4 lại tiếp tục “ra trận” làm nhiệm vụ.

Các ổ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp lớn tại Bắc Giang với hơn 160 nghìn công nhân đang làm việc, nguy cơ lây lan với tốc độ nhanh là khó tránh khỏi. Để bảo đảm phòng, chống dịch, Bắc Giang đã đóng cửa 4 khu công nghiệp lớn, cách ly và giãn cách nhiều địa phương. Bắc Giang cũng tạm dừng hoạt động khu công nghiệp khi đã lấy mẫu xét nghiệm gần 140.000 công nhân, đưa các ca dương tính đi điều trị, các F1 đi cách ly. Những người âm tính được đưa về nơi ở, cách ly tại nhà, có chính quyền kiểm soát... Một quyết định khó khăn nhưng hoàn toàn có sự tính toán và đúng đắn. Bắc Giang không vội vã để công nhân trở về các địa phương trước khi có kết quả xét nghiệm để bảo đảm sự an toàn cho cả nước!

Phút giây yêu đời của các bác sĩ tỉnh Quảng Ninh khi được người dân Bắc Giang tặng hoa sen
Phút giây yêu đời của các bác sĩ tỉnh Quảng Ninh khi được người dân Bắc Giang tặng hoa sen

Đi cùng với quyết định trên, tỉnh kêu gọi công nhân lao động ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang, không về quê lúc này khiến dịch bệnh dễ lây lan và công tác phòng, chống dịch thêm khó khăn, phức tạp. Cách ly, phong toả, cộng thêm lượng công nhân khổng lồ tạm nghỉ việc và ở lại nhà trọ cũng đồng nghĩa với việc phát sinh rất nhiều những vấn đề xã hội, đó là lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư y tế... Khó khăn chồng chất nhưng tỉnh Bắc Giang huy động tổng lực để hỗ trợ công nhân, để “không ai bị bỏ rơi” lúc này.

Khi người dân Bắc Giang đang gồng mình vượt qua cơn đại dịch, cũng là lúc hàng triệu con tim trên cả nước cùng hướng về, sẻ chia, mong muốn cùng gánh vác. 

Tin cùng chuyên mục