Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Triển vọng nghề rừng từ giống cây bản địa

PV - 16:36, 01/10/2018

Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày càng thu hẹp. Theo đó, người dân địa phương loay hoay tìm sinh kế mới nhưng chưa có hiệu quả. Gần đây, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân phát triển các giống cây trồng bản địa trên cả rừng tự nhiên và rừng sản xuất, đã cho thu nhập khả quan giúp cho đời sống của người dân dần ổn định và phát triển.

Tăng hiệu quả kinh tế

Ông Trương Quốc Đô, một hộ dân trồng rừng ở xã Tân Hóa cho biết: Gia đình ông hiện nay đang khoanh nuôi và bảo vệ 17 ha rừng, trong đó, có 7 ha rừng sản xuất 10 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Trên diện tích rừng tự nhiên, ông tiến hành trồng các giống cây bản địa như lim, cây đỏ lòng, ngát, trám…

Rừng lim của ông Trương Quốc Đô ở xã Tân Hóa được xem là mô hình điểm về trồng rừng bằng cây bản địa. Rừng lim của ông Trương Quốc Đô ở xã Tân Hóa được xem là mô hình điểm về trồng rừng bằng cây bản địa.

Khi trồng rừng tự nhiên, ông Đô được Nhà nước hỗ trợ tiền từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Hơn nữa, ông cũng tận dụng thu hoạch quả trám, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Thấy hiệu quả từ giống cây trồng bản địa, ông Đô còn mở rộng trồng giống cây này thay thế các loại cây keo, tràm trên diện tích rừng sản xuất. Lợi thế của việc chuyển đổi này, là tăng độ che phủ và tạo sự đa dạng về giống cây cũng như tăng hiệu quả kinh tế.

Theo ông Đô, việc Nhà nước giao rừng cho dân chăm sóc và bảo vệ rất có ý nghĩa đó là, tạo được ý thức và trách nhiệm cho người dân về việc bảo vệ rừng; là tạo sinh kế cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn tăng được độ che phủ rừng nhằm đảm bảo môi trường, môi sinh..

Điều ghi nhận hiện nay là, phong trào trồng rừng bằng các giống cây bản địa có sức lan tỏa. Không chỉ các hộ dân ở xã Tân Hóa mà nhiều hộ dân ở các xã có rừng như Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn… cũng áp dụng loại bỏ các cây trồng trước đây như keo, tràm để chuyển sang trồng các loại cây như lim, táu, huỵnh, trám…

Ông Hồ Mi ở xã Trọng Hóa chia sẻ: Gia đình ông được Nhà nước giao cho 5 ha đất rừng sản xuất. Trước đây, chủ yếu là trồng các loại cây như keo, tràm, thu nhập rất bấp bênh. Đợt trồng nào không có gió bão, ngày thu hoạch không bị ép giá thì thu nhập tạm được. Còn khi có gió bão xem như mất không…

Được sự vận động của chính quyền, sau khi đi tham quan các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa trên địa bàn huyện, thấy có hiệu quả nên gia đình ông đã chuyển sang mô hình này. Hiện nay, các loại cây như lim, táu phát triển tốt. Đặc biệt, cây trám sắp cho thu hoạch quả hy vọng có thu nhập cao.

Khuyến khích trồng cây bản địa

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Thời tiết ở Minh Hóa nói chung và xã Trọng Hóa nói riêng luôn diễn biến phức tạp. Gió lốc thường diễn ra nên các hộ dân trồng rừng nguyên liệu phải chịu thiệt hại nhiều. Hiện nay, rừng trên địa bàn đang có nhiệm vụ điều tiết khí hậu và là rừng phòng hộ đầu nguồn nên địa phương đã tuyên truyền và khuyến khích các hộ dân trên địa bàn chuyển mô hình trồng cây ít năm như keo, sang trồng cây bản địa lâu năm. Mặt tích cực của việc trồng rừng bằng cây bản địa, ngoài tăng thu nhập, còn tạo ra ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng cho người dân, từ đó chia sẻ và giảm gánh nặng cho chính quyền trong việc bảo vệ rừng… Hiện, xã Trọng Hóa đang từng bước nhân rộng mô hình này.

Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết: Điều thuận lợi cho người trồng rừng ở Minh Hóa hiện nay là, nhiều giống cây rừng bản địa đã được người dân ở đây gieo ươm thành công. Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa cũng đã chỉ đạo chính quyền các xã khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa và có những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Cụ thể, các hộ dân khi tham gia mô hình do huyện thí điểm sẽ được hỗ trợ 18 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón và công chăm sóc. Xác định trồng rừng bằng giống cây bản địa, thời gian có thể khai thác thường dài gấp đôi rừng trồng nguyên liệu bằng giống cây keo, tràm, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại gấp vài chục lần và mang tính bền vững.

Ngoài ra, việc trồng rừng bằng các loại cây bản địa còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thời gian tới, huyện Minh Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các địa phương.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Một số huyện miền núi xuất hiện nứt đất, khẩn cấp di dời dân

Thanh Hóa: Một số huyện miền núi xuất hiện nứt đất, khẩn cấp di dời dân

Do ảnh hưởng của đợt mưa bão liên tục trong một thời gian dài, khiến nhiều điểm trên địa bàn các huyện vùng cao Thanh Hóa bị sạt lở đất đá, đặc biệt là tại các thôn bản biên giới của các huyện Quan Sơn, Mường Lát xuất hiện nhiều nơi nứt đồi, phải di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn.