Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trở lại Phan Dũng

PV - 09:58, 13/02/2019

Vượt qua con đường quanh co, uốn lượn bên sườn núi cao vời vợi, Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đón chúng tôi bằng khung cảnh của một miền sơn cước hữu tình với sắc mai vàng rực rỡ xen lẫn màu tím ngan ngát của phong lan.

Cuộc sống ấm no

Tôi đã đến xã Phan Dũng nhiều lần. Cách đây ngót chục năm, khi tuyến đường nhựa lên xã Phan Dũng hoàn thành và những công nhân ngành điện kéo điện lưới quốc gia lên xã. Đưa dòng điện về đây quả là một kỳ công, bởi đường dây điện cứ phải vượt núi mà đi. Rồi tôi cũng có mặt tại đây ngày người dân Phan Dũng hân hoan đón dòng điện lưới quốc gia về xã. Đại ngàn uy nghi nhiều đêm không ngủ, hân hoan điện sáng dưới chân mình.

Vùng đất Phan Dũng ẩn chứa vẻ đẹp của một miền sơn cước hữu tình. Vùng đất Phan Dũng ẩn chứa vẻ đẹp của một miền sơn cước hữu tình.

Trong niềm xúc động thiêng liêng đó, nhiều cụ già ngồi thủ thỉ kể chuyện về những ngày thơ ấu của mình nơi núi thẳm rừng xanh, cách biệt với miền xuôi. Trải bao đời nay, đất chưa thật cũ, nhưng cũng không còn mới. Đôi bàn tay người dân Phan Dũng từng cạy cục cây dầu, đem ép ra dầu, thắp lên ánh sáng mà xua màn đêm và thú dữ; gieo hạt, trồng cây trên rừng mà tìm lấy trái bắp, củ khoai...

“Giờ đường lên Phan Dũng thuận lợi quá, cảnh đẹp như chốn thần tiên”, anh Nguyễn Hồ Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy Phong nói. Cũng trong hoài niệm của mình, anh Nam vẫn còn nhớ, cái ngày Phan Dũng còn cách trở, vượt 30 cây số, từ thị trấn Liên Hương lên Phan Dũng mà phải chuẩn bị lương thực, mang vác trèo đèo, lội suối vất vả mấy ngày trời. Nhưng từ khi Nhà nước đầu tư tuyến đường nhựa lên Phan Dũng, thì mọi chuyện đã khởi sắc, kinh tế-xã hội từng bước phát triển, sinh kế của người dân được đảm bảo hơn.

Đúng như lời anh Nam nói, trở lại miền sơn cước vào dịp này, đâu đâu cũng là màu xanh tươi của những cánh rừng già và đồng lúa đang thì con gái; hệ thống kênh mương thuỷ lợi trải dài, đưa nước tưới mát ruộng nương, vườn tược cho cây đơm hoa kết trái. Lối sống đốt rừng làm nương rẫy đã không còn là nỗi ám ảnh truyền kiếp của người dân nơi đây; xóa đói giảm nghèo từ việc an cư lạc nghiệp, từ trồng lúa mỗi năm hai vụ, trồng cây ăn trái, chăn nuôi và nhận giao khoán bảo vệ rừng; đau ốm không còn mê tín mà tìm đến thầy thuốc; đồng bào biết quý trọng cái chữ nên chăm lo hơn cho con trẻ đến trường…

Gặp chúng tôi, anh Hoàng Văn Duy, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, toàn xã có hơn 250 hộ, với 800 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Raglai, phần lớn số hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, 100% hộ sử dụng điện thắp sáng và nước sinh hoạt. Trạm y tế xã cơ bản đảm bảo trang thiết bị y tế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh.

Các trường học THCS, tiểu học và mẫu giáo được xây dựng quy mô, khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào. Giờ, người dân đã có xe gắn máy, tivi, điện thoại di động và sử dụng nhiều thiết bị khác phục vụ sinh hoạt gia đình. Đáng mừng là bà con đồng bào Raglai đã biết tiếp cận với một số tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy thế mạnh chuyển đổi cây trồng… Nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, heo đen và mua sắm cả máy cày để sản xuất nông nghiệp. Bộ mặt làng xã ngày càng tiến bộ hơn.

Giữ gìn bản sắc dân tộc

Người Raglai vốn mộc mạc từ lời ăn tiếng nói, giản dị trong cách sống nhưng lại rất quý trọng giá trị văn hóa tinh thần. Đó là những bản trường ca, những điệu mã la… trong đó những bản trường ca cổ Raglai nơi núi thẳm, rừng xanh đã thật sự thăng hoa. Với ca từ, cách luyến láy, cách buông hơi, lúc ngọt ngào êm dịu như suối, lúc mạnh mẽ như gió lay đại ngàn đã làm xao xuyến, nức lòng biết bao người mến mộ.

Người dân Phan Dũng làm rượu cần từ hạt gạo trên nương để cúng thần linh và đãi khách trong dịp lễ, Tết. Người dân Phan Dũng làm rượu cần từ hạt gạo trên nương để cúng thần linh và đãi khách trong dịp lễ, Tết.

Hôm gặp bà Đào Thị Quá, một “nghệ nhân” hát trường ca cổ trong căn nhà nhỏ giữa rừng, lời ca khúc “Rừng xanh xanh mãi” lại vang lên trong ráng chiều e ấp: “Tuổi thơ xanh mãi với trái tim vui. Rừng ơi xanh hoài mãi mãi rừng ơi”. Dù tiếng hát ở cái tuổi thất thập cổ lai hy không tròn vành rõ chữ nữa, nhưng sao vẫn nghe bâng khuâng một nỗi niềm hoài cổ vọng về từ xa xăm, âm hưởng của lời ca mang hơi thở của rừng già lời nhắn nhủ yêu thương, gìn giữ và trân trọng núi rừng...

Ngoài chuyện ca hát, hạt gạo của Phan Dũng cũng đong đầy nỗi nhớ thương. Người Raglai quý lúa như vàng, bởi hạt gạo dẻo thơm nơi đây đã duy trì sự tồn tại của dân làng bao đời. Trong lễ Tết đầu lúa, người Raglai cúng trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mong cho lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. Từ những hạt gạo đồng rừng, người Raglai làm ra một thức uống “tâm linh” vừa có thần thánh lại vừa có con người hiện hữu trong cuộc vui, đó là rượu cần. Ở Phan Dũng, mỗi lần có lễ lớn như lễ cúng thần linh, mừng lúa mới hay những ngày hội làng, tiếp đãi khách…, đồng bào đánh mã la, nhảy múa, ca hát rồi uống rượu cần say túy lúy. Các trai làng, cô gái làng ăn mặc nhiều loại trang phục có nhiều hoa văn sặc sỡ và hát cho nhau nghe những bài ca chan chứa ân tình, cầu mùa màng tốt tươi, dân làng no đủ.

Tôi còn nhớ, trước đây già làng Mang Thanh Hoa bảo: “Dân làng quý rượu cần như quý hạt lúa, hạt bắp trên nương, con cá, con cua dưới suối. Có rượu cần thì lễ mới thiêng, mới vui”. Dễ gì được thưởng thức hương vị nồng ấm của rượu cần được làm từ chính hạt gạo thảo thơm nơi này để có thể hiểu hết “cái hồn” Phan Dũng.

Dạo quanh những con đường nội xã trong ánh chiều bảng lảng, tôi gặp những thiếu nữ Raglai xinh xắn đeo gùi hoa quả trở về nhà; các cụ già ngồi dưới bóng cây mát rượi trước hiên nhà tỉa bắp, đan gùi nói cười vui vẻ. Bọn trẻ con tan học đùa vui, thanh niên tụ tập đánh bóng chuyền. Từng đàn bò, dê thong thả trở về chuồng… Phan Dũng trong ánh nắng dịu cuối chiều hôm nay thật bình yên.

MINH CHIẾN