Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Trồng rừng kinh tế, tạo sinh kế cho người dân

PV - 21:57, 30/01/2018

Trồng rừng kinh tế đang được coi là mô hình chủ lực để huyện Mường Nhé (Điện Biên) tạo sinh kế cho người dân, giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương đang diễn ra hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Mường Nhé xưa nay nổi tiếng với “5 cái nhất cả nước” là phá rừng nhiều nhất, đói nghèo nhất, lớp học tạm nhiều nhất, lộn xộn trong quản lý dân cư nhất và khoảng trống chính trị cở sở cao nhất. Bởi vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây là mô hình hiệu quả nhất để xử lý tình huống về thiếu đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường rừng và quản lý dân cư hiện nay.

Trồng rừng kinh tế là giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trồng rừng kinh tế là giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững.

 

Bắt đầu từ tháng 6/2016, huyện Mường Nhé đã triển khai trồng rừng, với giống cây chủ yếu là keo được gieo ươm ngay trên địa bàn. Toàn bộ 11 xã đều triển khai mô hình này, trong đó 9 xã giao cho người dân trồng rừng kinh tế, riêng xã Sín Thầu và Sen Thượng giao cho lực lượng Bộ đội Biên phòng trồng rừng phòng hộ thay thế.

Với các chính sách được hưởng từ Nghị định 75 của Chính phủ, mỗi hộ tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng trong vòng 7 năm; 10 triệu đồng/ha rừng trồng trong 4 năm gồm giống, công trồng, công chăm sóc bảo vệ và được vay 15 triệu đồng/ha để chăm sóc cho đến khi cây có thể khai thác.

Ngoài ra, mỗi hộ sẽ được vay ưu đãi không dưới 50 triệu đồng để chăn nuôi. Như vậy, kể từ khi được giao đất để trồng rừng, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ và vay ưu đãi khoảng 80 triệu đồng, để trồng và chăm sóc từ 4.000-5.000 cây trên diện tích đất được giao cho đến khi thu hoạch. Đến nay, diện tích rừng trồng phát triển khá tốt, nhiều cây sau 3 tháng đã cao 40cm. Người dân có thể trồng cỏ trên diện tích này để chăn nuôi đại gia súc, làm vườn rau, chăn nuôi gia cầm để cải thiện cuộc sống.

Để mô hình đạt hiệu quả hơn, huyện Mường Nhé đang thử nghiệm gieo cây trực tiếp trên diện tích quy hoạch trồng rừng nhằm tiết kiệm thời gian, nhân công; đồng thời để cây dễ thích nghi với môi trường hơn.

Ông Trịnh Duy Giáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết, xã đăng ký trồng 130ha tại địa bàn các bản Leng Su Sìn, Cà Là Pá, Pứ Ma và A Di… là những địa bàn bị phá rừng nhiều nhất. Đến thời điểm này, người dân tham gia mô hình này đã trồng được 103ha, đang đề nghị Nhà nước nghiệm thu để thanh toán. Hiện diện tích rừng trồng sinh trưởng khá tốt do chất đất tốt, cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ông Giáp hi vọng đây sẽ là phương án phù hợp để xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn.

Toàn huyện Mường Nhé đã trồng được 810ha rừng, trong đó chủ yếu là diện tích giao cho người dân trồng rừng kinh tế (560ha), được đánh giá là đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật. Ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé cho hay: Thời gian qua, mô hình nông-lâm kết hợp này đang bước đầu có hiệu quả, diện tích rừng trồng được giao trực tiếp cho hộ dân quản lý nên họ có trách nhiệm hơn.

Người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có thể sống tạm ổn trong thời gian 7 năm, đến khi rừng cho khai thác người dân bắt đầu có thể làm giàu từ diện tích đất rừng được Nhà nước giao quản lý. Sau 7 năm, cây trồng đã lớn với đường kính khoảng 20cm, dài 10m là có thể khai thác, bán với giá 200.000 đồng/cây. Đến thời kỳ này, chính quyền địa phương sẽ triển khai các dự án nhà máy chế biến gỗ ngay tại địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

NGỌC LÊ