Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tuyên Quang: Người dân ở những khu tái định cư đang quyết tâm thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Việt Hà - 17:52, 07/06/2023

Thực hiện Đề án di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống người dân ở những khu tái định cư thủy điện Tuyên Quang đang ngày càng khởi sắc.

Chị Lý Thị Mụi, dân tộc Dao ở thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ đang dạy, truyền nghề cho các cháu gái trong họ hàng
Chị Lý Thị Mụi, dân tộc Dao ở thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ đang dạy, truyền nghề cho các cháu gái trong dòng họ

Năm 2006, thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa đã tiếp nhận 13 hộ di dân từ lòng hồ Thủy điện Na Hang về nơi ở mới, đến nay đã gần 20 năm, cuộc sống cuả các hộ đã đi vào nề nếp, ổn định. Những ngôi nhà cũ giờ được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang chạy dọc theo con đường thôn với khuôn viên cây xanh, vườn rau... hiện lên khung cảnh làng quê yên bình, bộ mặt nông thôn mới đang từng ngày "thay da đổi thịt".

Những ngày này cùng với người dân trong thôn, các hộ dân ở khu tái định cư cũng đang tất bật tập trung cho sản xuất vụ mùa. Trong nhà, ngoài sân nhà nào cũng chất đầy thóc lúa, ngô, lạc. Anh Lý Thanh Xuân chia sẻ: Những ngày đầu khi mới chuyển về đây, cuộc sống mới ra ở riêng của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Để ổn định cuộc sống, ngoài việc tập trung làm ruộng và chăn nuôi lợn, anh còn mở dịch vụ bán thức ăn gia súc, làm cơ sở thu mua, chế biến lâm sản. Nhờ đó mà kinh tế gia đình đã dần khấm khá hơn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng anh chị cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng. Kinh tế ổn định, anh chị cũng có thời gian chăm sóc con cái tốt hơn.

Cũng như gia đình anh Xuân, chị Lý Thị Mụi, khu tái định cư Bản Tụm cho biết: Dù là ở quê cũ hay chuyển về nơi ở mới, cuộc sống cũng đã hòa nhập với đồng bào người Tày, người Kinh sở tại nhưng bà vẫn duy trì công việc thêu thùa, may trang phục truyền thống của dân tộc cho bà con trong vùng. Với công việc này, mỗi năm bà cũng may và bán được 10 - 15 bộ trang phục dân tộc, giá bán bình quân 6,5 triệu đồng/bộ, bình quân mỗi năm bà cũng có thêm một khoản tiền hàng chục triệu đồng. Cuộc sống của gia đình giờ đã khá ổn định.

Ông Lý Hữu Phúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (cũng là người di dân) chia sẻ: Từ ngày chuyển về nơi ở mới, các hộ đều nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các chính sách dành cho Nhân dân tái định cư, từ việc chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất, đến việc huy động nhân lực hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm quen với mô hình sản xuất mới, thâm canh tăng vụ. Nhờ đó các gia đình đều yên tâm tập trung lao động sản xuất, ổn định cuộc sống trên quê hương mới.

Đến nay khu tái định cư đã có gần 20 hộ gia đình, các hộ đều có kinh tế ổn định, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ có thu nhập cao, trong khu đã có hộ xây nhà kiên cố, chỉ có duy nhất 1 hộ nghèo; con em các hộ tái định cư đều được đi học, có nhiều cháu đã đi học đại học và đi học nghề… Nhân dân đều tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng Nhân dân trong thôn thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Đồng bào các DTTS ở thôn Nà Nhoi, xã Tân Mỹ cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp
Đồng bào các DTTS ở thôn Nà Nhoi, xã Tân Mỹ cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp

Ông Đồng Văn Hà, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Bản Tụm là một trong những thôn đạt danh hiệu Văn hóa trong nhiều năm liên tục, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà con đồng bào tái định cư trong xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Về công tác định canh, định cư, khi tổ chức triển khai Đề án di dân tái định cư của tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2003 - 2008) đến nay đã có chuyển biến rất rõ rệt. Tính đến thời điểm hiện tại đã đào tạo, chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho khoảng 2.500 lao động. Những năm đầu triển khai Đề án, tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư chiếm đến 77%, đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo giảm còn dưới 20%.

Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 288/QĐ-TTg, ngày 19/4/2002, triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2003 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2008. Quá trình tổ chức di chuyển đã huy động trên 50.000 ngày công hỗ trợ di chuyển và bố trí sắp xếp tái định cư cho 4.122 hộ, 20.419 nhân khẩu tại 125 điểm thuộc 42 dự án tái định cư trên địa bàn các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Tp. Tuyên Quang. Công trình có lợi ích tổng hợp to lớn và có ý nghĩa không chỉ cho tỉnh Tuyên Quang mà cho cả vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.