Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội người DTTS với các chương trình hành động tâm huyết

Hiếu Anh - 19:32, 10/05/2021

Thời gian này, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đã và đang thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Theo đó, nhiều ứng cử viên là người DTTS đã trình bày chương trình hành động của mình một cách rất tâm huyết. Báo Dân tộc và Phát triển xin giới thiệu về chương trình hành động của một số ứng cử viên người DTTS.

Ông Lưu Bá Mạc, dân tộc Nùng, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV
Ông Lưu Bá Mạc, dân tộc Nùng, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV

Ông Lưu Bá Mạc: Khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến

Ứng cử viên Lưu Bá Mạc, dân tộc Nùng, sinh năm 1980 tại xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ông có học vị tiến sĩ, từng du học tại thành phố Melbourne của nước Úc. Hiện nay, ông Lưu Bá Mạc là Trưởng phòng quản lý công nghệ và quản lý chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn.

Trình bày Chương trình hành động của mình, ứng cử viên Lưu Bá Mạc nhấn mạnh: Nếu được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ luôn không ngừng cố gắng phấn đấu, nâng cao năng lực và bản lĩnh chính trị của mình để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người đại biểu Quốc hội. 

Trong đó, thường xuyên nghiên cứu tình hình thực tiễn và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các vấn đề như: phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030... Từ đó, tôi sẽ tham mưu và tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, cụ thể hóa và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm làm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của đất nước.

Hiện nay, với vai trò là Trưởng phòng quản lý công nghệ và quản lý chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, tôi cũng đang cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại cơ quan nơi công tác, trong đó tập trung vào việc, tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trước mắt giai đoạn 2021 - 2025, có thêm 04 chỉ dẫn địa lý và 20 nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sự lan tỏa về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, cá nhân; khuyến khích phát triển của những ý tưởng, dự án mang tính đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cô giáo Lò Thị Thu Hà, dân tộc Lào, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV
Cô giáo Lò Thị Thu Hà, dân tộc Lào, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV

Bà Lò Thị Thu Hà: Sẽ tích cực giám sát, góp phần đổi mới toàn diện ngành giáo dục

Ứng cử viên Lò Thị Thu Hà, dân tộc Lào, sinh năm 1993, tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, giáo viên trường mầm non Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ về Chương trình hành động của mình, ứng cử viên Lò Thị Thu Hà cho biết: Là người DTTS, bà hiểu rõ nỗi vất vả của những người dân còn thiếu thốn về vật chất và tinh thần nên chưa thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Do đó, trong chương trình công tác của mình, bà sẽ cùng với các đồng nghiệp của mình nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

Đồng thời, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc. Trên cơ sở đó, tìm hiểu và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của cử tri; từ đó đề xuất với các cấp, các ngành xử lý, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nếu được bầu là đại biểu Quốc hội, bà sẽ tích cực giám sát hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần mang lại môi trường dạy và học lý tưởng, góp phần đổi mới toàn diện ngành giáo dục, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ trẻ có đủ tâm - tầm - tài cho địa phương và cho đất nước.

"Tôi cũng sẽ tích cực giám sát việc thực hiện luật giáo dục nói riêng và pháp luật nói chung. Qua đó, tôi cũng sẽ kiến nghị, chất vấn một cách kịp thời, chính xác, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng về quốc kế, dân sinh, bảo đảm cho nghị quyết, chủ trương của Đảng được thể chế hóa, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, vì lợi ích của đất nước và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân", bà Lò Thị Thu Hà cho biết.

Bà Lý Thị Phương: Quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bà Lý Thị Phương (ngoài cùng bên trái, áo đen) cùng các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri vận động bầu cử
Bà Lý Thị Phương (ngoài cùng bên trái, áo đen) cùng các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri vận động bầu cử

Ứng cử viên Lý Thị Phương, dân tộc Khmer, sinh năm 1978. Hiện bà Lý Thị Phương là Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng.

Nhấn mạnh về Chương trình hành động của mình, ứng cử viên Lý Thị Phương cho biết: Nếu được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa XV, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo các cấp hoàn chỉnh các chính sách thu hút đầu tư vào ngành du lịch. Bản thân bà sẽ luôn quan tâm đến đời sống, phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, đề xuất ý kiến giải quyết việc làm liên quan đến lao động là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa. 

Đồng thời, đề xuất chính sách tạo điều kiện cho người dân trong luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tham gia xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và xây dựng hạnh phúc gia đình.

Với vai trò ứng cử viên là phụ nữ, bà  sẽ quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nâng cao trình độ và sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng; các vấn đề phụ nữ tham gia vào bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể...

Đồng thời, bà sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. "Tôi sẽ nghiên cứu nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của người dân; quan tâm nội dung và chất lượng xây dựng nông thôn mới, cải thiện môi trường xanh – sạch – đẹp, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân", bà Phương cho biết.