Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám chữa bệnh: Vẫn còn nhiều khó khăn

PV - 10:44, 09/09/2019

Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hình thành hành lang pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quy trình khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTN vào KCB vẫn còn rất nhiều thách thức.

Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào hỗ trợ công tác KCB của tỉnh Phú Thọ. Tính đến 6/2019, Trung tâm đã cấp hơn 500 tài khoản cho bệnh nhân tới khám; tất cả tài khoản này đều được đồng bộ với thông tin KCB tại hơn 30 xã. Hơn 5.000 hồ sơ bệnh án ngoại trú được lập và chỉ dành cho các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, viêm phế quản… nhằm theo dõi sát sao từ phía bệnh viện.

Ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng KCB. Ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Theo bác sĩ Nguyễn Hải Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, việc ứng dụng CNTT vào quy trình KCB đã giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi, đồng thời giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng truy xuất thông tin, bệnh án của người bệnh để có phương án chăm sóc sức khỏe tối ưu nhất. Nhờ đó, tỷ lệ chuyển tuyến trước đây lên tới 50% giờ chỉ còn dưới 5%.

Chị Phan Thanh Hường (Phương Xá, Cẩm Khê) chia sẻ: “Trước đây mỗi khi đến khám bệnh, chúng tôi đều phải xếp hàng, đứng chờ khá lâu. Nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ cần đến bàn đăng ký, sơ bộ về bệnh trạng, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã được lập hồ sơ và đưa vào hệ thống, cần khám lâm sàng ở phòng nào, cần đi chụp, chiếu ở đâu, đều được thông tin trên hệ thống, rất thuận tiện”.

Cũng như Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, ngành Y tế các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường ứng dụng CNTT vào quy trình KCB. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện gần 100% bệnh viện trên cả nước đã kết nối, liên thông dữ liệu KCB bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, phục vụ giám định KCB bảo hiểm y tế điện tử.

Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước cũng đã được xây dựng. Số liệu của Cục CNTT-Bộ Y tế cho thấy, đến nay đã có 11.183 (99%) trạm y tế; 2.261 cơ sở KCB và cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã sử dụng hệ thống để quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân; đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT-Bộ Y tế, việc ứng dụng CNTT vào KCB ở nước ta vẫn còn là thách thức không nhỏ. Hiện ngành Y tế vẫn gặp nhiều khó khăn, như: chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia khi tổng hợp thông tin, chia sẻ giữa các đơn vị; hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử triển khai chậm, nhiều việc vẫn phải sử dụng giấy tờ. Hay việc chưa hình thành cổng dịch vụ công trực tuyến, chưa có hệ thống một cửa điện tử; việc quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn có quá nhiều phần mềm riêng lẻ; thiếu hệ thống theo dõi thu thập thông tin, phân tích, dự báo dịch bệnh,…

Ông Tường cho biết, thời gian tới, ngành Y tế sẽ xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt chương trình sức khỏe Việt Nam. Đồng thời, triển khai KCB thông minh gồm ứng dụng CNTT toàn diện, cải cách cơ sở KCB, cải cách hành chính, giảm quá tải bệnh viện, sử dụng một số bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.