Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất giống cá hồi

PV - 14:44, 23/11/2018

Để góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá hồi vân tại địa phương, Hợp tác xã cá hồi Thác Vàng Sa Pa (HTX) đã đề xuất và được Bộ khoa học và Công nghệ (KH;CN) phê duyệt thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất giống cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) tại Sa Pa”. Thông qua thực hiện Dự án, HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thành công giống cá hồi vân, giúp chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Những kết quả bước đầu

Mục tiêu Dự án đặt ra là: ương nuôi và sản xuất được 3 triệu con cá hồi vân giống tam bội tại HTX; lựa chọn và duy trì nuôi đàn cá bố mẹ với 4.000 con cái và 2.000 con đực, đàn cá được lựa chọn đảm bảo chất lượng tốt, không lai tạp; xây dựng được 1 mô hình nuôi thương phẩm cá hồi vân, quy mô 50-60 tấn/năm với tỷ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng cá thu hoạch 1,2-1,5 kg/con; xây dựng 1 mô hình sản xuất cá hồi vân theo chuỗi khép kín, nhằm cung cấp các sản phẩm từ cá hồi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đào tạo 20 kỹ thuật viên và tập huấn cho 60 lượt hộ nông dân về kỹ thuật sản xuất giống tam bội thể, kỹ thuật nuôi, chế biến và bảo quản cá hồi vân sau thu hoạch; tổ chức được 2 hội thảo cho trên 100 đại biểu tham dự để tìm hiểu, chia sẻ các kiến thức có liên quan đến việc sản xuất và chế biến cá hồi vân…

Kiểm tra trứng cá hồi vân. Kiểm tra trứng cá hồi vân.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, HTX đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Thành lập Ban Quản lý dự án; Tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tam bội từ kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thiên nhiên Phần Lan và các nhà sản xuất giống cá hồi hàng đầu của châu Âu (Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp) để thực hiện tại xã Lao Chải, huyện Sa Pa từ tháng 6/2017 đến tháng 4/2018.

Đối với khu nuôi cá bố mẹ, HTX đã tiến hành nâng cấp khu nuôi trên cơ sở diện tích hiện có là 1.500m2 thành hệ thống các bể nuôi cá có thể tích 50-100 m3/bể, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của Dự án. Đối với khu ấp trứng và ương cá bột, hương, giống: HTX đã cải tạo các hệ thống bể nuôi vỗ cá bố mẹ 700 m3, bể ương 150 m3 và bể nuôi cá thương phẩm 500 m3 trên tổng thể tích khoảnn 1.500-2.000m3, đảm bảo yêu cầu để cá sinh trưởng và phát triển tốt; Tiếp nhận công nghệ nuôi thương phẩm và chế biến cá hồi vân hun khói từ Công ty TNHH nuôi cá hồi vân sông Rhoen với các quy trình như: chọn và thả cá giống, chăm sóc và quản lý cá, thu hoạch và vận chuyển cá sống, xử lý cá, chế biến và bảo quản.

Đây là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại các trang trại nuôi cá hồi ở CHLB Đức. Với quy trình này, tỷ lệ cá thương phẩm sống đạt trên 80% và năng suất đạt 15-20 kg/m3, cá sau khi chế biến đều đảm bảo yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua chuyến thực tế, cán bộ của Dự án đã tìm hiểu, nắm bắt được cách thiết kế và vận hành hệ thống nuôi cá nước chảy; học tập được một số kinh nghiệm về nuôi thương phẩm cá hồi vân như: thuần dưỡng, vận chuyển cá giống; theo dõi, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá…

Triển vọng nhân rộng

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nội dung công việc đăng ký thực hiện đã được triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật. Bước đầu, HTX đã hình thành được chuỗi cung-cầu để cung cấp con giống tới tận các cơ sở nuôi thương phẩm. Bên cạnh cung cấp con giống, Dự án cũng đã tiến hành tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở nuôi để đảm bảo việc nuôi đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời tiến hành thu mua sản phẩm từ các HTX, doanh nghiệp và các hộ gia đình trong chuỗi để cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn ở miền Bắc theo mô hình cá sạch từ trại nuôi đến bàn ăn. Hiện nay, HTX có cá nhà hàng cá hồ, cá tầm ở Km12 - Khu du lịch Thác Bạc (Sa Pa), 44 Nguyễn Thị Định và 46 An Dương (Hà Nội) để quảng bá và thực hiện mô hình này.

Công nhân đang thu hoạch cá hồi vân tại trang trại anh Nguyễn Thế Hải ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai). Công nhân đang thu hoạch cá hồi vân tại trang trại anh Nguyễn Thế Hải ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai).

Cá hồi vân mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt. Hiện tại ở Sa Pa, cá được bán với giá 250.000-300.000 đồng/kg. Dự báo nhu cầu giống cá hồi của cả nước đến năm 2020 theo quy hoạch là khoảng 2 triệu con, nhưng trên thực tế, số lượng con giống cần còn lớn hơn rất nhiều do nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Do vậy, việc các cán bộ của HTX cá hồi Thác Vàng Sa Pa ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất thành công giống cá hồi vân Oncorhynchus mykiss sẽ giúp chủ động được nguồn giống, mở ra triển vọng phát triển đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu người thả nuôi.

Để đẩy nhanh chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở để công nghệ ngày càng hoàn thiện nhằm mục tiêu sản xuất được con giống tốt hơn, với giá thành thấp hơn cung cấp cho người dân. Đồng thời, tiến hành tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá hồi vân, công nghệ nuôi thương phẩm, công nghệ bảo quản và chế biến cá hồi vân cho các doanh nghiệp nuôi cá hồi vân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cũng như các vùng lân cận nhằm phát triển mạng lưới sản xuất cá hồi vân giống và thương phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

HẢI ANH

Tin cùng chuyên mục
Chủ xe bán tải bỏ sang dùng VinFast VF 3: “Hoàn hảo cho mọi nhu cầu”

Chủ xe bán tải bỏ sang dùng VinFast VF 3: “Hoàn hảo cho mọi nhu cầu”

Từng sử dụng xe bán tải, anh Thanh Phong (TP.HCM) quyết định chuyển hẳn sang xe điện với VF 5 Plus và gần đây mua thêm VF 3. Mẫu minicar điện của VinFast gây ấn tượng với anh bởi thiết kế đẹp, khả năng tăng tốc “không bàn cãi” và chi phí tiết kiệm. Mới đây, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Thanh Phong để tìm hiểu thêm về quyết định này của anh.